Tác giả: | Cập nhật lần cuối: 24-09-2023 | 43 lượt xem

Lý giải nguyên nhân nhiều Làng xã cổ nhưng các họ tộc chỉ mới có 11-12 thế hệ

Thế kỷ XVI, diễn ra chiến tranh Lê – Mạc; thế kỷ XVII chứng kiến sự tích tụ ruộng đất của địa chủ cường hào và ruộng của binh lính làm cho cuộc sống nhân dân ở các làng quê ngày càng bị bần củng hóa vì không có đủ ruộng đất công để chia cho các trai đinh trong làng, dẫn đến các cuộc khởi nghĩa nông dân ở nhiều nơi.
Theo nhà sử học Ngô Thì Sĩ (1726-1780) thì từ đầu thế kỷ XVIII, ở Đàng Ngoài (tức là khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ), hàng loạt nông dân phải bỏ làng quê đi lưu vong, nhiều làng xã vùng đồng bằng sông Hồng trở nên hoang vắng tiêu điều, nông nghiệp sa sút nghiêm trọng. Rất nhiều làng quê bị tan rã. Theo thống kê năm 1730, ở Đàng Ngoài số làng bị tan rã là 527; năm 1741 số làng tan rã tăng vọt lên 3.691 làng. Theo nhà sử học Ngô Thì Sĩ, số làng phiêu tán ấy gần tương đương với số làng quê của một trấn đồng bằng.
Ảnh: Một phả đồ trong gia phả xưa.

Ảnh: Một phả đồ trong gia phả xưa.

 

Theo thống kê của nhiều dòng họ hiện nay, các bản tộc phả thường chỉ đến đời thứ 11, 12, ứng với thời gian tái lập làng xã cách đây khoảng trên dưới 300 năm. Trong khi đó, ở phần trên đã từng đề cập việc thành lập nhiều làng quê từ thời các vua Hùng, thời Bắc thuộc, hoặc thời các triều đại phong kiến tự chủ Lý, Trần, Lê sơ. Và nếu như không có chuyện phiêu tán thì ít nhất thế thứ ở các dòng họ phải từ 20 đến 30 đời trở lên.
Ví dụ làng Phú Cốc thuộc xã Hà Hồi, huyện Thường Tín có bản khoán ước được viết vào năm 1697 với đầy đủ chữ ký của 72 nhân vật nổi trội của làng. Song họ không hề có mặt trong tộc phả của các dòng họ chính hiện đang cư ngụ trong làng như họ Nguyễn Hữu, họ Nguyễn Tả, họ Nguyễn Doãn, họ Uông và họ Hoa… Làng Phú Cốc cũng từng có hai bãi tha ma cổ, một ở trước cửa chùa làng và một ở sát chợ Hà Hồi không có người hương khói. Làng Phú Cốc cũng từng có truyền thuyết về một vụ cháy đống rơm to đến mức cháy hết cả làng mà khó có thể giải thích được. Điều đó chứng tỏ rằng, hầu hết những người làng có mặt tử thuở sơ khai đến khi soạn thảo và thông qua bản khoán ước vào cuối thế kỷ XVII ấy đã bỏ làng mà đi phiêu tán. Họ có thể tham gia các cuộc khởi nghĩa nông dân và bị quân triều đình sát hại. Họ cũng có thể theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp. Cho nên, làng Phú Cốc hiện nay chỉ có mặt những cư dân từ thế kỷ XVIII trở lại đây khi làng được tái lập.
Và vì thế tộc phả các dòng họ mới chỉ ghi chép được 11, 12 đời.
Theo lịch sử, sự tái lập làng quê ở vùng đồng bằng sông Hồng vào giữa thế kỷ XVIII là một sự kiện có thật và rất đáng chú ý, bởi bối cảnh lịch sử khốc liệt, dân cư ly tán, rối khi yên binh, người làng quê lại quay về lập nghiệp, xây dựng xóm làng vẫn theo mô hình truyền thống cũ.

Chia sẻ

close