Tác giả: | Cập nhật lần cuối: 17-11-2023 | 117 lượt xem

Bài Lược ký và Khuyến miễn

Kỳ tế xuân năm Mậu Dần (1938), khi bàn đến việc học của con em trong họ, xét thấy việc học chữ Việt Nam (lối theo vần có 24 chữ cái, thường gọi là Quốc ngữ) có phần bành chướng. Mà về chữ nho thì số người theo học ít dần đi nhiều lắm. Cho nên họ ta đã định theo phả chữ nho mà dịch ra Việt văn, để tiện việc xem xét, tra cứu về sau. 

Ngay buổi ấy, họ có cử ra một ban tu phả gồm bốn người trí thức trong họ là:

  1. cụ Bá Nghi sinh năm Tân Tị (1871)
  2. cụ Bá Đạm sinh năm Giáp Thân (1884)
  3. cụ Bá Long sinh năm Nhâm Thìn (1892)
  4. cụ Trọng Vôn sinh năm Bính Ngọ (1906)

Ban tu phả đã nhận lời và sang năm Kỷ Mão 1939 đã bắt đầu làm việc. Về việc tu phả, ban chúng tôi xếp đặt chương trình làm 11 khoản là

  1. Lập tờ quán phả
  2. Biên tiểu sử ngành họ
  3. Lịch sử xây dựng nhà từ
  4. Việc thờ tự (phụng sự)
  5. Các tuần tiết
  6. Văn cụ (văn khấn, điều lệ và các tài liệu về văn tự)
  7. Mộ tổ
  8. Việc phân chi
  9. Các tự khí (đồ thờ)
  10. Ruộng đất
  11. Tổng luận và khuyến miễn.

Việc lập các khoản theo thứ tự như sau:

1. Lập tờ quán phả

Là một tờ riêng biệt từng vị, trong có in sẵn các khoản thức: dòng dõi, tên tuổi, ngày sinh, ngày giỗ, vợ con, nơi mồ mả. Tờ quán phả này lập từ vị tiên tổ Hiếu An (gọi là đời thứ nhất trở xuống). Tới năm nay Mậu Tý (1948) làm xong và đóng thành sổ đến đời thứ 9.

2. Biên tiểu sử ngành họ

Họ ta có nhà từ Chiêu Lai ở khu chợ Đình, xã Quần Phương Trung, thờ cụ Hiếu An là tiên tổ thứ nhất. Cụ Hiếu An là cháu đời thứ 4 của cụ sơ tổ Phúc Đức). Về tiểu sử, có bài biên riêng tường tận đính theo đây.

3. Lịch sử nhà từ

Thờ Đức Hiếu An, trước kia chưa có nhà từ thường thờ ở các nhà riêng. Trước thờ ở nhà cụ Bằng xã Thượng, rồi thì ở nhà cụ Bá Tư xã Trung, sau lại thờ ở nhà cụ Bá Lượng (tức cụ cựu Quang) xã Trung.

Năm Tự Đức Quý Dậu (1874), đồng họ bàn việc làm nhà từ. Cụ Bá Chuẩn cúng 5 miếng đất. Đến ngày 10 tháng chạp năm ấy, thì cất xong khung gỗ và cây nóc.

Năm Ất Hợi và Bính Tý (1875 – 1876) thì lợp rạ và xây tường gạch.

Năm Đinh Sửu và Mậu Dần (1877 – 1878) lợp cỏ.

Năm Tân Tị (1881) sửa 2 tầng cửa trước. Đến tháng chạp phụng nghênh yên vị.

Tổng cộng tiền tiêu từ năm Quý Dậu đến năm Tân Tị là 1721 quan tiền.

Năm Thành Thái Kỷ Hợi (1899) lợp ngói, cộng tiêu 842 quan tiền (mỗi quan 600 đồng tiền bằng kẽm).

Năm Duy Tân Mậu Thân (1908) làm chính trẩm cộng tiền 385 quan tiền .

Năm Khải Định Đinh Tỵ (1917) xây cuốn chính trẩm và đổi tre luồng ở nóc tiền đường. Cộng tiêu là 196 quan.

Năm Bảo Đại Bính Dần (1926), thay hoành rui bằng gỗ lim ở tiền đường, cộng tiêu 143 đồng bạc.

Năm Bảo Đại Canh Thìn (1940), xây tắc môn bằng gạch, cộng tiêu 50 đồng bạc.

Năm Bảo Đại Nhâm Ngọ (1942), xây cuốn thêm 2 bên chính trẩm, xây các bàn thờ, lát gạch ở từ đường nền, chái và sân. Cộng tiêu 447 đồng bạc 3 hào 8 xu. Các lớp xây dựng và sửa chữa đều có lập sổ riêng, biên tường tận bằng chữ nho.

4. Thờ tự

Chính kiến thờ đứctiên tổ Hiếu An. Bên tả có khám thờ đức tổ cô – hiệu là Phù Dung công chúa. Vị cô tổ không hiểu thế thứ là hàng nào, các chi khác đều có thờ.

Hai bên tả chiêu và Hữu mục (ở sách trung dung tiểu chú  cắt nghĩa: Tả chiêu: chiêu là sáng – thuộc dương ở hàng tả, số lẻ. Hữu mục: mục là tối – thuộc âm ở hàng hữu, số chẵn.

Hai bên lại có giá gương thờ các vị có công đức tiến cúng điền thổ và một khám ký kỵ tổ cô và cụ Húy Chiêm (tự tử phủ) và 2 bên đều có thần chủ ký kỵ cụ Bá (ông và bà).

5. Tuần tiết

  • Ngày 15 tháng Giêng lễ xuân.
  • Ngày 2 tháng 6 lễ hạ thược (khuyến học).
  • Tháng 9 lễ thu thường (cơm mới).
  • Ngày 15 tháng 12 lễ chạp và mộc dục.

Trên là các lễ chính do cả họ dự lễ. Còn 12 tháng đều có hương khói vào ngày sóc, vọng

  • Sóc là tuần mùng 1 do thủ từ lễ
  • Vọng là ngày 15 do 12 ông ngồi 3 bàn, theo thứ tự sắm lễ.

Lễ thăm mộ và sửa mộ không định hẳn vào ngày nào, cứ một đến hai năm khi tiện dịp, họ cử mấy người đi thăm mộ – hoặc là đi sửa mộ.

6. Văn cụ

Văn cụ có:

  • Một quyển thế phả chữ nho
  • Một quyển phả việt văn xuân tế
  • Một bức đồ thế – thứ bằng vải
  • Một quyển điều lệ
  • Hai quyển sổ sửa chữa nhà từ
  • Một bài Thủy mạt khảo do cụ Bá Nghi soạn năm Canh Thìn 1940.
  • Một bài Từ đường ký của cụ cử lộng Điền vũ Nhẫn Trai, soạn năm Tự Đức Nhâm Ngọ (1882).
  • Một bài ký 2 chiếc bài vị của cụ Bá Nghi soạn năm Khải Định Đinh Tỵ (1916).
  • Một đôi câu đối của cụ Trọng Thọ cúng năm Duy Tân Giáp Dần (1914).
  • Đôi câu đối nhấn tường của cụ Bá Nghi soạn
  • Hai chiếc hoành biển và một đôi câu đối nền gấm của ông Bá Đạm và Bá Long.  Tiến cúng năm Duy Tân Giáp Dần (1914) và Bảo Đại Quý Mùi (1943).
  • Bốn bức giáy và văn tự của cụ Bá Chuẩn và Bá Lượng cúng dất.
  • Một bài ca song thất lục bát về lễ hạ thượng bằng Việt – Hán của cụ Bá Thiếp soạn.

7. Mộ Tổ

Mộ tổ đức Hiếu An (ông và bà) thất lạc đã lâu. Năm Bính Tuất (1886), họ lập mộ chiêu hồn ở xứ Mộc Giữa, xã Quần Phương Trung.

Đến năm Kỷ Dậu (1909), hậu kê ở đàn xuân phúc nhà cụ Nhất Đôn, tìm thấy ở cầu phe bảy hậu đồng xã Thượng. Đến mộ chiêu hồn cũ và cốt mới. Tìm thấy hợp táng ở xứ Hậu Đồng ấy.

Hiện nay đã xây mộ tròn bằng đá. Trên có mộ chí.

Mộ tổ đã chuyển về Mộc Tây, xã Hải Trung, sau cồn con cá. Mộ xây hình chữ nhật, cùng đồng táng với các cụ về chi ông Khuông. Trên có mộ chí. Lý do chuyển từ phe bảy về là do xã ấy đào sông qua mộ.

8. Việc phân chi

Năm Tân Tị (1881), khánh thành nhà từ Chiêu Lai ở chợ Đình.

Đến năm Nhâm Ngọ (1882), ngành thống tôn ông Bá Xiển rẽ ra lập thành chi Trung Cường.

Đến năm Quý Hợi (1923), ông Quý Thiều rẽ ra lập thành chi Cầu Xẻ.

Đến năm Đinh Mão (1927), ông bá Tố rẽ ra lập thành chi xã Hạ.

Ngoài 4 chi kể trên, còn có:

Một chi của ông Tri Luận ở xã Trung (xóm chợ) và một chi của ông phó Quế xã Hạ cùng thờ cụ Hiếu An, mà ngành ta không biết hai chi này có từ bao giờ.

Đến năm Tân Tí (1941), có một người tên là Trần văn Rĩnh ở xã Quần Phương Nam vào nhà từ Chiêu Lai xem phả. Rồi nhận cụ Trọng Lạng (đời thứ 4) là tổ 8 đời của ông Rĩnh. Và thiết lập nhà từ thờ cụ Hiếu An ở Quần Phương Nam.

Tổng kết, thờ cụ hiếu An bây giờ có 7 nhà từ. Bốn nhà từ trên thì dòng dõi phân minh. Còn ba từ đường ở dưới thì không biết tường tận căn nguyên.

9. Tự khí và đồ dùng

Ở chính vị có một cỗ ngai, 2 thần chủ, 2 chiếc mâm chữ nhật lớn, 2 cây đèn, 2 ống hương, 3 cái đài, 2 bát hương (1 chính vị, 1 hội đồng), 1 đôi bình hoa bằng sữ.

Ở bàn thờ tổ cô bên tả có một cỗ khám, 1 bát hương, sành.

Ở Tả Chiêu và Hữu Mục có 2 giá gương lớn, 2 giá gương nhỏ, cỗ khám, 2 vị thần chủ, 2 cái đèn, 6 cái đài, 6 bát hương, 2 mâm chữ nhật nhỏ. 2 cái màn song khai, 2 bức màn hẹp, 1 bàn chức văn, 1 mâm bồng nhỏ, 2 cái đẳng tế.

Đồ dùng có 1 cái ngựa, 1 cái bàn, và 2 tràng kỷ bằng gỗ lát quang dầu.

10. Ruộng đất

Khu đất 1 sào rưỡi ở xóm chợ đình là nơi xây dựng nhà từ Chiêu Lai.

1 thửa ruộng 8 sào ở Mộc Giữa, xã Trung và số tiền 120 hoa lợi dùng vào việc lễ hạ thược và khuyến học.

11. Tổng luận và khuyến miễn

Xem các công việc trên, ta thấy tiền nhân xây dựng nhà từ rất là công phu và khó nhọc. Vậy bổn phận chúng ta phải cố gắng mà giữ gìn và bồi đắt nền nếp của tổ tiên.

  • Chúng ta phải chăm chỉ và chuyên cần các công việc làm ăn trong gia đình được túc dụng, dễ chịu, và luôn luôn tự xét sửa mình.
  • Đừng cờ bạc rông dài để gây sự túng bấn cho mình, và có hại cho xã hội.
  • Đừng quá bê tha rượu chè và ham mê sắc dục để thành tập quán biếng lười và mất nết tốt.
  • Đừng ham danh, chuộng lời vô lý, trái với nhân nghĩa.
  • Đừng mê tín thần quyền để những thầy tu giả dối, thầy cúng, cô đồng, bà cốt mê hoặc và làm sai lạc lòng tin thiêng liêng.
  • Các giáo chủ và thánh hiền đều dạy rằng: “Họa hay phúc đều do lòng mình gây nên. Vậy muốn cầu hạnh phúc, ta phải sửa sang đức tính để có thiện tâm, hơn là chăm đi lễ bái mơ hồ”.
  • Phải ngay thẳng, phân minh và chỉnh đốn mà cư xử với nhân quần và xã hội. Để có ích chung và thanh danh cho gia đình và tộc phái.
  • Ở nhà phải biết hiếu nhượng với cha mẹ, anh chị em và mọi người. Vợ chồng phải hòa thuận với nhau.
  • Nhà có hiếu, nhượng, hòa thuận, tiết kiệm và chuyên cần thì thịnh vượng.
  • Ở họ chúng ta phải nhận nhớ rằng: Nhờ phúc ấm của tổ tiên có được những ngày hội họp đông đủ mọi người đồng tộc là quý lắm. Những buổi ấy ta phải vui vẻ, không nên vì cớ gì, dù phải dù trái mà to tiếng, cãi cọ lẫn nhau. Điều này những khi yến ẩm, lại càng cần giữ gìn nhiều.
  • Cùng một dòng dõi, ta không cùng nhau san sẻ được sự ấm no, vinh hiển đi chăng nữa, thì ta cũng phải thành thực. Để những khi tiện dịp khuyên bảo lẫn nhau về nghề nghiệp làm ăn và về công việc ở đời theo đường ngay lẽ phải.
  • Phải săn sóc đến việc học của các con em. Sự học rộng lắm. Cần phải chăm sóc và uốn nắn thiếu niên ngay từ thuở nhỏ.
  • Dù đã được học nhiều hay không, mỗi ngày cũng cần để ra một chút thì giờ mà độc sách, để tăng tiến kiến thức.
  • Người ta ở trên đời hơn được muôn vật ở chỗ có linh tính, tư tưởng và trí tuệ.
  • Chúng ta ở trong họ, được biết nguồn gốc về dòng dõi, và bây giờ đây trông thấy họ hàng đông đúc vui vẻ. Khiến ta lượng được một đôi phần về thế hệ mai sau. Thực là một hạnh phúc lớn của tổ tiên để lại cho chugns ta.
  • Chúng ta phải chăm lo đến công việc họ, để dòng dõi ta ngày một tấn tới.

Trung Thu Mậu Tý (1948) soạn xong

Ban Tu phả.

Trần Mạnh Uông, tự Phúc Hồng, cháu 11 đời của tổ Hiếu An sao chép lại (vì các cụ làm trước bị mờ, không rõ chữ nữa). Những mong hậu thế con cháu lưu tâm mà giữ gìn, sao chép lại các văn kiện trên. Đừng để mất mà tiếc lắm!

Bá Uông cẩn trí.

Nam Định, trọng hạ, Đinh Mão niên. (1987)

 

 

Chia sẻ

close