Cổng làng – biểu tượng làng quê Việt
Mỗi làng Việt xưa kia được bao bọc bởi một hệ thống lũy tre (bên trong là ao hoặc hào, vừa để thoát nước về mùa mưa, trữ nước về mùa đông; vừa để chống trộm cướp xâm nhập từ ngoài vào).
Trên hệ thống lũy tre đó, làng đặt các cổng để ra vào làng. Nói một cách khác, cổng làng (có khi là cổng xóm), cùng với các lũy tre dày đặc là ranh giới phân định giữa không gian cư trú bên trong với bên ngoài làng, là “điểm nút” ra – vào làng.
![Không có mô tả ảnh.](https://scontent.fhph1-3.fna.fbcdn.net/v/t39.30808-6/305613061_127006120081143_8210464061085555642_n.jpg?stp=cp6_dst-jpg&_nc_cat=105&ccb=1-7&_nc_sid=4c1e7d&_nc_ohc=faPKOnKlJGUAX8SWN-2&_nc_ht=scontent.fhph1-3.fna&oh=00_AfDdAlmKd7I3pexMAXv25dMzEWGTh3f_O17ND5HRV41Alg&oe=65142AE8)
Số lượng cổng trong mỗi làng, vị trí của các cổng tùy thuộc đặc điểm và cấu trúc của khu cư trú, liên quan đến địa hình, địa thể của làng. Có thể thấy một số dạng bố trí sau:
– Nếu các xóm co cụm liền nhau trong một khoảnh, đường vào làng không phải là đường liên làng, thường có một cổng chính (có khi nhiều hơn), là lối chính để đi vào làng và các cổng khác, khách đều có thể đi vào làng “đường đường chính chính”.
– Ở các làng ven sông hoặc các làng ven các con ngòi, có đường đê hoặc đường liên làng chạy qua, các xóm được bố trí dọc theo đê hoặc đường liên làng (kết cấu kiểu “ xương cá ”), thì không có cổng làng chung, mà có một hệ thống cổng xóm, mỗi cổng có phong cách kiến trúc riêng. Tuy nhiên, ở lối vào của xóm được coi là “gốc” hay xóm chính của làng, cổng được xây bề thế hơn, nên cổng này được coi là cổng làng hay cổng chính của làng.
Ngoài cổng chính, mỗi làng tùy theo địa hình, địa thế còn có các cổng hậu, tức cổng đi ra đồng (hoặc ra sông, ngòi) mà chỉ có người làng biết, thông thạo và sử dụng. Cổng này còn dùng cho các gia đình có người chết đưa linh cứu ra khỏi làng, khi làng có lễ thức chính, hoặc hội làng (lệ của các làng không cho đưa tang trên các trục đường chính và cổng chính của làng trong dịp lễ hội làng).
Hướng của cổng làng phụ thuộc vào hướng của khu cư trú cùng các yếu tố đổi, núi, sông ngòi bao quanh. Thông thường, cổng làng nhìn ra phía đường cái lớn, phía đồng lúa hoặc sông, ngòi, có thể là hướng đông, nam, tây hạn chế hướng bắc. Nhìn chung, cổng làng không phải tuân thủ ngặt nghèo về phong thủy như công đình, chùa, đền, miếu. Đương nhiên, khi dự định dựng cổng làng, người làng đều phải lưu ý đến cả yếu tố tâm linh của cảnh quan xung quanh.
Về quá trình phát triển, ban đầu, khi làng mới hình thành, dân cư chưa đông và chưa đủ tiềm lực kinh tế, cổng làng chỉ là cổng bằng tre, hoặc ghép các đoạn tre lại với nhau, hoặc đan thành các tấm phên chắc chắn, ghép vào bộ khung tre. Về sau, dân cư đông, kinh tế của dân làng khá dần, cổng được xây gạch, hoặc đá núi hay đá ong (vùng đồi, bán sơn địa) kết hợp với vôi để tăng thêm độ chắc chắn. Một số ít cổng làng được xây bằng các tảng đá nguyên khối. P. Gourou cho rằng, “phải là làng nghèo lắm mới không có cổng bằng gạch và ban đêm phải bịt lối đi qua lũy tre bằng những rào tre cắm xuống đất”.
![Không có mô tả ảnh.](https://scontent.fhph2-1.fna.fbcdn.net/v/t39.30808-6/305769275_127006126747809_8881662986701887804_n.jpg?stp=cp6_dst-jpg&_nc_cat=109&ccb=1-7&_nc_sid=4c1e7d&_nc_ohc=PnXGhpmdua4AX-Qzsdh&_nc_ht=scontent.fhph2-1.fna&oh=00_AfD7OU5z9diK3yyWGrTgjfyWQEs6cmMl0KOlueBZ7572bQ&oe=6513120E)
Nhìn chung , cổng làng như là một điểm nhấn trong bố cục hài hòa của các yếu tố không gian làng (lũy tre, đường làng, sân đình, bến nước, đồng ruộng phía ngoài…). Cổng làng phản ánh một phần lịch sử làng, sự trù mật về dân cư, sự trù phú về kinh tế và bề dày văn hóa của làng. Cổng làng nhìn bề ngoài là yếu tố vật chất, bên trong lại chứa đựng và phản ánh những ý nghĩa, giá trị xã hội và văn hóa tinh thần rất rõ nét. Cổng làng gắn liền với quá trình ra đời và phát triển của làng, chứng kiến bao thăng trầm của mỗi cộng đồng cư dân Việt, gắn với tâm tư, tình cảm, bao kỷ niệm vui buồn của các thế hệ người nông dân, phản ánh và mang giá trị kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử, cả quan niệm về triết lý sống…