Giải thích tên các chức quan được ghi trong phả ký họ ta
Khi xem thông tin gia phả của họ ta, chúng ta hay nhìn thấy tên các chức vụ của các cụ trong thời phong kiến. Vì sự xoay vần của lịch sử, và cách biệt về thế hệ, ta không rõ được chức vụ đó có ý nghĩa là gì. Tôi đã thử tìm hiểu, và có thấy một số tài liệu ghi lại ý nghĩa các chức quan của thời Lê, Nguyễn. Nay xin được chia sẻ lại.
Gia phả của họ ta, được bắt đầu ghi chép từ tổ Hiếu An, thông tin năm sinh, năm mất của tổ không được ghi lại. Tuy nhiên, có thể xác định rằng, tổ sống dưới thời Lê, giai đoạn Lê Trung Hưng (hay vua Lê – chúa Trịnh). Trải qua mấy trăm năm lịch sử phát triển, dòng họ ta tuy không phát tích các nhân tài kinh bang tế thế, nhưng cũng có các cụ ra làm quan và giúp đỡ việc làng việc nước. Có thể kể đến như:
-
- đời thứ 5 (từ tổ Hiếu An) có cụ Bá Uyên làm chức Trùm Giáp.
- đời 6 cụ Bá Đỉnh, làm chức Huyện Thừa
- đời 7 cụ Bá Hội, đỗ nhất trường khoa Mậu Ngọ
- đời 8 cụ Bá Nghi, đỗ nhất trường khoa Đinh Dậu
- ——–
Dưới đây, xin được giải thích ý nghĩa các chức vị phong kiến như sau:
Chức Trùm Giáp
Giáp là một tổ chức xã hội trong làng xã cổ truyền. Các nhà nghiên cứu đều khá thống nhất với nhau khi đưa ra một khái luận chung về Giáp, theo đó: Giáp là một tập hợp người theo lớp tuổi, bao gồm các đinh nam sau khi lọt lòng đã làm lễ vọng Giáp đến cụ ông cao tuổi nhất, là tổ chức chỉ dành cho nam giới ở trong làng, không có phụ nữ tham gia, và mang tính kế thừa: “Phàm là con trai thì bố ở Giáp nào lại vào Giáp ấy” [13, tr.28]. Lệ vào Giáp vẫn đảm bảo nguyên tắc: ai vào Giáp trước ngồi trên, ai vào Giáp sau ngồi dưới. Để được vào Giáp, Hương ước quy định các trai đinh từ 16 đến 18 tuổi phải đóng tiền hương ẩm, mỗi tuổi là 1 quan tiền cổ. Tuy nhiên theo quy định của Hương ước làng Cổ Trai (Thái Bình) soạn năm 1942 thì nam đinh ngay từ khi mới sinh ra đã phải “nộp mười lăm xu, ba chục giầu để vào Giáp”
Vì Giáp là một tổ chức không phân biệt nơi cư trú theo xóm ngõ trong làng, do vậy tùy theo quy mô, phạm vi cương vực của từng làng mà phân chia đơn vị Giáp nhiều ít khác nhau, chủ yếu mỗi làng gồm từ 2 Giáp trở lên, một số làng có 8, 9 Giáp, thậm chí làng Hạ Bái (huyện Duyên Hà, Thái Bình) có tới 23 Giáp [16]. Đứng đầu tổ chức Giáp là một viên Trưởng giáp, một số làng gọi là Trưởng lệnh, Giáp chỉ, hay Trùm giáp. Ngôi Trùm giáp được bổ từ thành viên trong Giáp, thường được kế tiếp bởi viên thứ nhì của hàng Giáp: “Mỗi Giáp đặt ra một người Trùm giáp để tùy tòng với viên Hương trưởng… viên này do cử ở những viên thứ nhì ra, ai hơn tuổi lên trước” . Như vậy, ngôi Trùm giáp được luân bổ theo thứ tự trên trước, dưới sau, ai vào vị trí hương ẩm trước mà ngồi bàn trên sẽ được bổ ngôi Trùm giáp trước. Độ tuổi đề cử, hoặc ứng cử vào ngôi Trùm giáp dưới 55 tuổi, thời gian giữ ngôi Trùm giáp từ 2 – 4 năm. Khi nhận ngôi, tân Trùm giáp phải chuẩn bị một lễ nhỏ để khao mọi người và chức dịch trong Giáp, nhỏ gồm trầu cau, lớn phải làm mâm cỗ mặn, Ví dụ như quy định của làng Cao Mỗ (Thái Bình), viên Trùm giáp phải làm rượu đãi 10 bàn trở lên để mời sắc dịch trong Giáp.
Họ ta có một số cụ làm trùm giáp như:
-
- cụ Bá Uyên đời thứ 5
- cụ Bá Huân đời thứ 6
- cụ Bá Chiêu đời thứ 6
- cụ Bá Lãm đời thứ 6
- cụ Trọng Tích đời thứ 7
- cụ Trọng Đại đời thứ 8
Chức Đội trưởng
Đây là một chức võ quan. Theo quan chế và tổ chức quân đội nhà Nguyễn chia mỗi đội thành 50 người, đặt Cai đội 1 người, Đội trưởng và Ngoại uỷ Đội trưởng 2 người. Đội trưởng quân ở các tỉnh trật tòng thất phẩm.
Quan chế nhà Nguyễn sử dụng quan chế Cửu phẩm: ví dụ Nhất Phẩm, Nhị Phẩm, Tam Phẩm…..
Mỗi bậc phẩm lại được chia nhỏ làm 2 trật khác nhau là Chánh và Tòng. Trật Chánh cao hơn trật Tòng. Vì vậy, phẩm Nhất phẩm có 2 trật là trật Chánh nhất phẩm và trật Tòng nhất phẩm, hoặc phẩm Thất phẩm có 2 trật là trật Chánh thất phẩm và trật Tòng thất phẩm
Họ ta có một số cụ làm đội trưởng như:
-
- cụ Bá Tư đời thứ 6
- cụ Trọng Trí đời thứ 7. Triều Tự Đức đánh quân Cờ Đen ( giặc Thanh – Trung Quốc) là bọn Ngô Bôn, Lưu Vĩnh Phúc ở chợ Mới, Cây Thị, tỉnh Tuyên Quang. Ông mất ở trận. Thời điểm gia phả được viết, Binh phần xã Thượng, Đông vẫn truy – phôi ông.
Chức Xã Sử
Ở cấp xã (làng), thời Lê có các chức danh: Xã chính, Xã quan, Trưởng xã quan và Xã chính kiêm Xã quan. Chức Xã chính và Xã quan có từ thời Trần. Những chức danh này đều dùng để chỉ người đứng đầu một xã và phải được toàn dân xã ấy bầu bằng phiếu kín và được Tri huyện chuẩn y. Các chức danh: Xã chính, Xã quan (huyện xã quan) thấy tồn tại đến thời Lê; chức danh Xã trưởng xuất hiện vào thời Tây Sơn (1791); chức danh Trưởng xã quan thấy xuất hiện vào thời Minh Mệnh (1832).
Thời Tự Đức (năm 1848) đến tháng Tám năm 1945, thay cho các chức danh trên ở cấp xã (làng), chúng ta thấy xuất hiện chức danh Lý trưởng. Chức vụ, quyền hạn của Lý trưởng từ thời Tự Đức trở về sau cũng giống như Xã chính, Xã trưởng thời Lê. Thời Nguyễn không có chức danh Xã quan như thời Lê.
– Xã phó: giúp việc cho Xã chính (Xã quan, Xã trưởng), vào thời Lê (năm 1684), chúng ta còn thấy có chức danh Xã phó, Xã sử, Thư ký (hoặc Xã sử kiêm Thư ký) và Câu đương. Nếu xã phó được Xã chính ủy quyền phụ trách một số mặt hành chính nào đó của xã hoặc được ủy quyền giải quyết mọi công việc trong phạm vi xã mình khi Xã chính đi vắng thì Xã sử và Thư ký chỉ được làm những công việc sự vụ lặt vặt do Xã chính sai phái hoặc làm công việc ghi chép sổ sách.
Họ ta có một số cụ làm Xã Sử như:
-
- cụ Bá Phát đời thứ 6
Chức Huyện Thừa
Chức Huyện Thừa là một chức vụ giúp đỡ cho Tri Huyện. Trong cơ cấu hành chính cấp Huyện thời Nguyễn – Minh Mạng, thì chức Huyện Thừa có lẽ là chức quan lớn thứ 2 ở cấp huyện.
Quan chế nhà Nguyễn có 3 chức huyện thừa: Kinh huyện thừa (có lẽ là huyện thừa ở các huyện gần kinh thành?) – trật Tòng lục phẩm. Chức Huyện Thừa – các huyện thông thường – trật Chánh thất phẩm. Chức Thổ Huyện Thừa – các huyện thổ địa, miền núi – trật Tòng bát phẩm
Họ ta có một số cụ làm Huyện Thừa như:
-
- cụ Bá Đỉnh đời thứ 6
Danh hiệu đỗ Nhất trường
Thi Hương là một khoa thi liên tỉnh, theo lệ 3 năm tổ chức 1 lần về nho học do triều đình phong kiến tổ chức để tuyển chọn người có tài, học rộng và bổ nhiệm làm quan. Sau khi đỗ Cống sĩ thì năm sau mới được dự thi kỳ thi cao cấp hơn là thi Hội, và nếu đậu thi Hội sẽ vào xếp hạng Tiến sĩ khi thi Đình. Số người thi Hương thường rất đông, có khoa thí sinh lên tới hàng nghìn, nhưng cho đỗ rất ít.
Thi Hương được tổ chức tại các trường thi, nhiều tỉnh thi chung 1 trường, chẳng hạn khoa thi năm 1813 tại trường Quảng Đức có 8 tỉnh-chỉ lấy đỗ 9 người. Kỳ thi Hương gồm có 4 kỳ: Sĩ tử nào đậu kỳ Đệ Nhất sẽ được vào thi kỳ Đệ Nhị, đậu kỳ Đệ Nhị sẽ được vào thi Kỳ Đệ tam…. cho đến hết kỳ Đệ Tứ. Chấm thi kỳ Đệ Tứ xong, các quan Giám Khảo sẽ xếp thứ tự từ cao xuống thấp. Sĩ tử đậu kỳ thi Hương (đậu 4 kỳ hay đậu tứ trường) sẽ phân thành 2 hạng: Cử nhân và Tú Tài. Quan trường chấm bài thi thì xếp các thí sinh theo hạng ưu (hạng nhất), bình (hạng nhì), thứ (đủ để đỗ), và liệt (rớt).
-
- Kỳ 1 (Đệ nhất trường): Gọi là thi Kinh nghĩa. Thí sinh làm một bài thi về Tứ Thư, Ngũ Kinh.
- Kỳ 2 (Đệ nhị trường): Gọi là thi Chính biểu, Thí sinh phải làm bài thi về Chế, Chiếu, Biểu, mỗi môn một bài.
- Kỳ 3 (Đệ tam trường): Gọi là thi thơ, phú. Thí sinh phải làm một bài thơ, một bài phú.
- Kỳ 4 (Đệ tứ trường): Gọi là thi văn sách. Thí sinh làm một bài tự luận trường thiên 1.000 chữ.
Họ ta có 2 cụ được ghi trong Phả Ký là Nhất trường. Tuy nhiên theo quan điểm của người viết, có lẽ nên hiểu là các cụ đỗ hạng “Ưu” của Đệ Nhất Trường hoặc Đệ Nhị Trường. Vì nếu đỗ từ Đệ Tam trường trở lên, sẽ có danh xưng khác. Ví dụ: đỗ Đệ Tam Trường, sẽ có danh là “Tú Tài” hay “sinh đồ“, đỗ Đệ Tứ Trường, có danh là “Cử nhân” hay “Hương cống“, và có thể ra làm quan.
Trước khi được thi Hương, các nho sinh phải thi một kì sát hạch. Đây là kỳ thi ám tả cổ văn, tức là kỳ thi sát hạch khả năng ghi nhớ bằng cách chép lại Tứ thư và Ngũ kinh;[2] ai đỗ kỳ này mới được vào thi Hương. Vì đây là kỳ thi sát hạch, không phải là khoa thi chính, nên đỗ kỳ này chẳng có học vị gì, cả tỉnh cùng dự thi, ai đỗ kỳ này cũng đã vinh dự lắm, nhất là đỗ đầu. Người đỗ đầu cả xứ được tặng danh hiệu “đầu xứ” (về sau đỗ đầu tỉnh cũng được gọi là đầu xứ) gọi tắt là “ông xứ” như: xứ Nhu (Nguyễn Khắc Nhu), xứ Tố (Ngô Tất Tố). Cả hai ông xứ chỉ đỗ đầu xứ thôi, chẳng có học vị gì, nhưng thật là một nhà Nho uyên thâm.[3]
Như vậy, có thể thấy rằng, đỗ đệ Nhất trường, hoặc đệ Nhị trường, thì cũng đã là rất vinh hiển trong tỉnh, trong tổng. Có những học giả, nhà văn nổi tiếng như Ngô Tất Tố, cũng không thể đỗ được đệ Nhất trường.
Họ ta có một số cụ đỗ Nhất trường như:
-
- cụ Bá Hội đời thứ 7, Đỗ Nhất trường, khoa Mậu Ngọ. cụ nguyên tên húy là Nguyên. Là một bậc khai khoa của chi họ ta
- cụ Bá Nghi đời thứ 8, Nhất trường khoa Đinh Dậu
Danh hiệu đỗ Sinh đồ
Sinh đồ (chữ Nho: 生徒; tên gọi khác là Tú tài Nho học) là một loại học vị dùng để chỉ những người đã đỗ cả ba kỳ của khoa thi Hương (tam trường). dân gian gọi là ông Đồ, ông Tú.
Xem thêm phần Danh hiệu đỗ Nhất trường
Họ ta có một số cụ đỗ Sinh đồ như:
-
- cụ Bá Hào đời thứ 7
Lễ sinh
Lễ sinh là người trong ban giúp lễ. Trong Đại Nam thực lục tập 03 trang 1094 có đoạn vào năm Minh Mạng 14 (1833):
“Văn miếu: Tự thừa đốc suất lễ sinh thừa hành mọi việc tế tự. Các tự thừa, lễ sinh và chủ bạ ở các tỉnh theo người quản lĩnh coi giữ sổ sách.”
Nếu là Lễ Sinh ở Văn Miếu, hoặc Lễ Sinh ở các phủ, thì có phẩm trật là Chánh cửu phẩm
Họ ta có một số cụ làm Lễ sinh như:
-
- cụ Bá Chuẩn đời thứ 7
- cụ Bá Đạm đời thứ 9. (thường gọi là cụ Lễ Mạch)
Chức Chánh tổng
Chánh tổng là chức danh người đứng đầu một tổng, đơn vị hành chính dưới cấp huyện, gồm một số xã. Chánh tổng là viên quan thuộc cấp huyện, giữ vai trò trung gian giữa cấp huyện và cấp xã, có trách nhiệm truyền những mệnh lệnh của chính quyền cấp trên xuống cấp xã trong phạm vi một tổng và giám sát việc thực hiện những mệnh lệnh đó.
Họ ta có cụ làm quyền Chánh tổng là:
-
- cụ Bá Lượng đời thứ 7.ông nguyên húy là Quang. vì húy đức Thủy tổ, mới đổi là “Lượng”. Ông có tiếng hay chữ, thi mãi không đỗ. Giỏi văn Nôm. Có làm 2 truyện “Lý Hồ” và “Thụy Hồng”. Cử nhân Trần Ruân là học trò của ông.
Tri Bạ – Tri Điền – Tri Thu – Cán sự
Chúng tôi không tìm được thông tin cụ thể về nhiệm vụ của từng chức. Tuy nhiên có tài liệu Hương ước có ghi rằng:
Sau các kỳ tế lễ như: nhập tịch, tế thần, cầu phúc, hội hè… vào mùa xuân, mùa thu hàng năm, các làng xã thường chiếu theo sổ hương ẩm để làm cỗ và có những quy định cụ thể về việc hưởng cỗ đó: “Ngạch văn từ đại khoa, trung khoa trở lên, quan nhận sắc mệnh từ thất phẩm trở lên, cùng các vị trưởng lão, chủ tế trong làng đều ngồi một người một cỗ. Tú tài, quan hàm bát cửu phẩm, hai người một cỗ (…) Đội trưởng, hương lão 60 tuổi, Chánh phó tổng, Lý trưởng, Tri điền hai người 1 cỗ. Văn hội, hương lão 50 tuổi, Biền binh, phó Tri điền, Phó lý, Tuần thôn, Thủ bạ, Thủ dịch… 3 người 1 cỗ, còn lại 4 người 1 cỗ”(12).
Như vậy, có thể các chức trên, là các chức sắc nhỏ trong làng, xã. Các dịp tế lễ, được ngồi hưởng cỗ, và được ngồi mâm trên.
Nhiêu Nam
Là danh hiệu đặt từ thời Lê để gọi nam giới ở trong các làng xã đã ở tuổi 55-60 (được miễn phu phen tạp dịch). Hoặc dùng để tặng những người có công bắt được trộm cướp ở làng, tuy chưa đến tuổi trên.
Họ ta có một số cụ làm Nhiêu Nam như:
-
- cụ Trọng Toản đời thứ 8
Trên đây là một số khảo cứu về các chức vị mà các cụ dòng họ ta đã từng làm việc. Thông tin có thể còn thiếu sót. Mong sự đóng góp của người đọc.