Trần Duy Vôn – Mây nhàn vẫn bay
Trần Duy Vôn 陳惟穩 (24/10/1906 – 3/11/1979) tự Hồng Tuân, bút hiệu Nhàn Vân Đình 閒雲亭, là một nhà thơ, nhà báo, nhà Hán Nôm uyên bác, là một đại diện ưu tú của dòng họ ta. Bài viết này xin phép được đăng tải lại bài báo với tựa đề gốc “Mây nhàn vẫn bay” của tác giả Nguyễn Mộng Nhưng. Bài báo được viết vào tháng 7 năm 2006, nhưng đến nay chúng tôi mới xin phép sưu tầm được. Chân thành cảm ơn tác giả Nguyễn Mộng Nhưng đã có một bài viết hay, sâu sắc, và có sự tìm hiểu kĩ lưỡng về một thành viên của dòng tộc ta.
Đất Quần Anh xưa (nay là Hải Hậu, Nam Định), có một nhà thơ, nhà báo, nhà Hán Nôm uyên bác, nhưng còn ít người biết đến. Đó là Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn. Trong cuốn “Tác giả thơ văn Hán Nôm Hải Hậu” (Đoàn Ngọc Phan – Hội VHNT Nam Định xuất bản năm 2001) có lẽ do tiêu chí của cuốn sách, cho nên thân thế, sự nghiệp của Nhàn Vân Đình rất sơ lược. Nhưng phần giới thiệu tác phẩm chỉ có 3 bài phú và 1 tập thơ. Quá ít! Mấy chiếc lá không cho thấy tầm vóc xum xuê của một đại thụ. Gần đây, do để tâm tìm hiểu, và đặc biệt tôi được bác Trần Trọng Đa, con trai cả của Nhàn Vân Đình cung cấp một số tư liệu quý hiếm. Bài viết nhỏ này mới chỉ là mấy nét phác thảo chân dung một người làm văn có nhân cách và tài năng lớn.
Một cuộc đời sóng gió
Trần Duy Vôn tên khai sinh là Trọng Vôn, sinh ngày 24-10-1906 tại xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương (nay là xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Đinh), miền đất có truyền thống hiếu học và có nhiều người hay chữ.
Thông minh, chăm chỉ, 19 tuổi Trần Duy Vôn đã thông hiểu kinh điển Hán học và sáng tác hàng trăm bài thơ bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ. Năm 1919 triều đình đã bãi bỏ thi chữ Hán, vì thế “đầy bồ kinh sử” Trần Duy Vôn dành trọn cho việc làm thơ, viết báo và trước thuật. Năm 1927 ông viết cho báo Tiếng Dân ở Huế do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút. Những năm ông viết cho các báo Tràng An ở Huế, báo Đọc và báo Đuốc Tuệ ở Hà Nội.
Năm 1941, ông dâng triều đình hai cuốn “Đế vương bảo giám” và “Thiên hạ mẫu nghi”. Về việc này, ông ghi lại: “Nhân nhớ khi nhà vua ở bên Pháp về có chỉ dụ: “Ở thôn quê, dù người rất hàn vi, nếu có nguyện vọng gì hay, các quan địa phương phải đề đạt cho Trẫm biết”. Vì vậy, tôi trích các Kinh, Truyện, Sử, Từ những lơi nói hay và những việc tốt của các vị vua ngày trước gọi là “Đế vương bảo giám” và bộ thứ hai là “Thiên hạ mẫu nghi” sưu tập truyện các Hoàng hậu, vương phi có những đức tính tốt, rồi nhờ quan tri phủ Hải Hậu là Nguyễn Duy Xán chuyển đệ. Ước một tháng, Ngự tiền văn phòng nhận được dâng lên Ngự lãm và có chỉ dụ phúc đáp ngay. Sách cũng hợp thời nên triều đình sắc phong thăng thưởng Viện hàm, có tấm thẻ ngà khắc khắc bốn chữ đỏ “Đặc ân sắc tứ”. Trước đó, vào năm 1932 do có nhiều công lao viết báo Trần Duy Vôn đã được sắc phong “Cửu phẩm văn giai”. Nay do hai công trình trên, ông được triều đình ban thưởng “Hàn lâm viện Cung phụng”. Theo đường công văn, chỉ dụ từ triều đình được thông báo tòa Khâm sứ Trung kỳ – Tổng đốc Nam Định – Tri phủ Hải Hậu – xã Quần phương Thượng. Một người làm văn mà được vinh hạnh như vậy là điều hiếm thấy! Từ đây, người quê quen gọi Trần Duy Vôn là Hàn Vôn cho đến khi ông qua đời. Nhưng cũng vì cái danh “Hàn” Trần Duy Vôn phải hứng chịu nhiều tai ương.
Ngày 20 – 5 – 1950 ông bị thực dân Pháp bắt giam vì từng tham gia dạy Bình dân học vụ, làm xóm trưởng, hội trưởng Mặt trận Liên việt xã, phó ban văn hóa huyện. Năm 1955 cải cách ruộng đất, Trần Duy Vôn bị quy là địa chủ vì “liên quan đến Đế quốc Phong kiến” (Mặc dù vào năm 1947 ông đã cùng các nhân sĩ trong huyện đem bằng sắc tự tiêu huỷ ở Văn Đàn, tuân theo chủ trương của chính phủ). Tài sản bị tịch thu, toàn bộ sách vở vừa chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ ước trên 7000 cuốn bị chất đống giữa sân nhà rồi đốt sạch. Sau khi bị đấu tố, giam giữ là những năm gia đình ông lâm vào cảnh bần hàn, cơ cực. Có thời gian ông và người con trai cả phải xin ra miền biển làm thuê kiếm sống. Đến ngày 18 – 2 –1962 ông mới được hạ thành phần, trả lại quyền công dân, đi đâu không phải xin phép nữa. Trong hoàn cảnh như vậy, ông vẫn làm thơ và miệt mài nghiên cứu, trước thuật.
Ngày 5 – 4 – 1972, sau nhiều lần gửi thư mời, Ban Hán Nôm (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) đã cử hai ông Cao Văn Lạng và Mai Quốc Liên đưa xe về tận nhà đón ông. Về việc này, Tiến sĩ Mai Quốc Liên – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc học Việt Nam, thuật lại:
“Khi thành lập Ban Hán Nôm (về sau là Viện Hán Nôm) các cụ Phạm Thiều, Đào Phương Bình, Thạch Can…nẩy ra sáng kiến chiêu hiền, đãi sĩ Hán Nôm bằng cách gửi một bài thơ chữ Hán khó, có “gài” nhiều “bẫy” để thi dịch thử tài. Từ làng Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định, cụ Nhàn Vân Đình gửi lên một bản dịch và sự giải mã của cụ khiến các cụ ở ban Hán Nôm khâm phục. Lập tức, các cụ cho đi rước cụ Nhàn Vân Đình lên Hà Nội. Và tôi là người được giao cái “sứ mệnh” đó! Chiếc U Oát Liên Xô chạy về Nam Định, đến một làng quê ven biển. Và từ nếp nhà tranh nghèo của cụ, cụ lập tức lên đường! Có lẽ cụ đã chờ đợi cái giây phút này từ lâu lắm để đem cái sở học của mình ra giúp cho văn hóa dân tộc. Bởi vỉ hình như tất cả cuộc đời cụ là ở đó!”
(Mai Quốc Liên – Lời tựa cuốn Câu cửa miệng của Trần Duy Vôn – NXB Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học xuất bản năm 1999).
Đúng như vậy! Đây là thời cơ vốn kiến thức dồi dào và phong phú của ông có đất để phát huy. Nhàn Vân Đình đã toàn tâm, toàn ý cống hiến hết sức mình cho đến ngày ông lâm bệnh và qua đời ngày 3 – 11 – 1979 ở tuổi 74.
Bày tỏ lòng thương tiếc ông, thay mặt Ban Hán Nôm, ông Nguyễn Đổng Chi đã đọc lời điếu:
“…Nhớ thuở tiên sinh
Ngôi cao cơ quan
Là người cường ký
Đặt bút thành văn.
…
Là bậc cố vấn
Nghĩa lý luận bàn
Là Tự điển sống
Trăm ngươi hỏi han
Là tay thợ thơ
Xướng họa đầy bàn.
…
Than ôi bác Vôn
Bác đã lên đàng
Bạn trẻ tiếc nhớ
Bạn già hoang mang.
Cơ quan Hán Nôm
Như mất kho vàng
Bao nhiêu kế hoạch
Hoá ra lỡ làng.
…
Giọt lệ từ giã
Chúc bác siêu thăng!”
Một sự nghiệp đồ sộ
Năm 1924 ở tuổi 19, Trần Duy Vôn đã sáng tác hai tập thơ “Nhàn Vân Đình thi thảo” bằng chữ Hán và “Nhàn Vân Đình quốc âm thi tập” bằng quốc ngữ, mở đầu sự nghiệp thơ văn, nghiên cứu, dịch thuật với khối lượng ít người sánh kịp. Là nhà báo, viết báo từ năm 22 tuổi. Dưới chế độ cũ, ông đã viết cho rất nhiều báo khắp Bắc, Trung, Nam. Đáng chú ý là 8 năm (1827 – 1934) ông là trợ bút, phụ trách mục Hán văn của báo Nam Phong. “Lúc bấy giờ, cụ đang ở độ tuổi hai mươi. Tuổi hai mươi ở một nước có truyền thống Hán học như nước ta, còn có các ông Nghè, ông Thám mà được trọng vọng, tín nhiệm giao cho công việc như thế ở một tờ báo lớn, đủ biết cụ có nội lực Hán học thâm hậu dường bao!” (Mai Quốc Liên – đã dẫn). Dưới chế độ mới Dân chủ Cộng hòa, Trần Duy Vôn thường xuyên viết bài gửi cơ quan văn hóa tỉnh Nam Hà, tạp chí Văn Sử Địa…Ông còn gửi một số tác phẩm cho đài phát thanh Bắc Kinh, trường đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).
Là nhà văn, ông đã viết 19 cuốn sách bằng chữ Hán, 15 cuốn bằng chữ quốc ngữ. Xin nêu một số tác phẩm chính:
Bằng chữ Hán có:
- Số thứ loại biên (1946); Biên tập và giải nghĩa những danh từ Hán Việt có con số đứng đằng trước. Ví dụ: Nhất trường, ngũ phúc, vạn an…Từ chữ “nhất” (số1) đến chữ “vạn” ( số 10000).
- Việt Nam liệt nữ truyện (1954) 2 tập.
- Việt Nam danh nhân tự điển (1960) 5 tập.
- Đại khoa tự điển (1962) 2 tập: Liệt kê những người đỗ đại khoa từ Tiến sĩ trở lên qua các triều đại.
- Việt Nam loại sử (1966) 2 tập: Chia lịch sử Việt Nam ra từng loại: Chính trị, ngoai giao, quân sự, văn hóa, phong tục…
Bằng quốc ngữ có:
- Truyện cũ làng Anh (1962)
- Hạ thọ biểu – Dâng Hồ Chủ tịch (1963).
- Tục biên Đại Nam quốc sử diễn ca (1966)
- Văn học dân gian Nam Hà (1970)
- Những tác gia Nam Hà
- Câu cửa miệng (1970 – 1979)…
Là nhà thơ, ông sáng tác 523 bài thơ chữ Hán, 799 bài thơ chữ quốc ngữ và trăm bài phú, văn tế…
Những tác phẩm của Trần Duy Vôn một phần được đăng tải ở các báo, tạp chí. Nhưng phần lớn là những bản viết tay, trong đó một số đã bị đốt trong Cải cách ruộng đất năm 1955. Số còn lại đang được tàng trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, Thư viện Huế và Viện Sử học…Gia đình ông chỉ còn giữ lại được rất ít. Riêng cuốn Câu cửa miệng, phải 20 năm sau khi ông qua đời mới được xuất bản (đã dẫn ở trên).
Các tác phẩm của Trần Duy Vôn biểu lộ học vấn uyên thâm và cách trình bày rất khoa học. Cuốn “Truyện cũ làng Anh” là một ví dụ. Đây là cuốn sử địa phương, ghi chép quá trình mở đất từ thời Hậu Lê, sự phát triển kinh tế, văn hóa, tôn giáo của làng Quần Anh, tiền thân của huyện Hải Hậu ngày nay. Có thể nói đây là cuốn “Bách khoa thư” của một làng quê. Người đọc hời hợt dễ bỏ qua cuốn “sử làng” này! Nhưng điều bất ngờ, thú vị là “Truyện cũ làng Anh” đã cung cấp những kiến thức cơ bản, chính xác về nguồn gốc các thứ chữ, lịch sử một số tôn giáo ở nước ta, về quá trình du nhập đạo Thiên chúa vào Việt Nam.
Thêm một chi tiết thể hiện sự uyên thâm của học giả Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn: Sư cụ Onishi Ryokei trụ trì chùa Thanh Thủy ở phía đông thành phố Kyoto là một cao tăng rất có uy tín trong giới Phật tử và nhân dân Nhật bản. Cụ rất kính trọng và cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1969, cụ Onishi Ryokei đã 96 tuổi, nghe tin Hồ Chủ tịch từ trần, cụ rất đau xót bỏ cả ăn và tự tay viết bài thơ bằng chữ Hán kính viếng. Bài thơ khó đọc và khó dịch được giao cho Trần Duy Vôn và ông đã dịch thành công.
Nguyên văn bài thơ của cụ Onishi Ryokei:
究 國 真 人 升 碧 空
眾 生 迷 途 哭 悲 中
古 来 希 見 老 英 竭
一 葉 飄 颯 秋 色 蒙
“Cứu quốc chân nhân thăng bích không
Chúng sinh mê đồ khốc bi trung
Cổ lai hy kiến lão anh kiệt
Nhất diệp phiêu phong thu sắc mông”
Trần Duy Vôn dịch:
Trời xanh đón người cứu nước về
Đau lòng chúng sinh trên đường mê
Xưa nay hiếm bậc lão anh kiệt
Chiếc lá thu bay trời ủ ê.
(Theo báo Thống Nhất số 194 năm thứ 16 ngày 19 – 5 – 1973)
Một tầm vóc đa chiều
Được đào luyện bởi Nho học, cũng như tất cả các Nho sĩ Phong kiến, Trần Duy Vôn mang nặng tư tưởng “Trung quân ái quốc”. Đó là quan niệm truyền thống: “Nhập thế cục bất khả vô công nghiệp / Xuất mẫu hoài tiên thị hữu quân thân”: (Vào cuộc đời không thể không có sự nghiệp gì / Lọt lòng mẹ ra đã có vua và cha rồi). Nhưng lộ trình Học – Đỗ đạt làm quan – Phò vua giúp nước, bây giờ không đích dến. Một sở học thừa sức giành khoa bảng nay không biết dùng vào việc gì khi chế độ thi cử không còn! Người thanh niên làng Quần Anh đã vỡ mộng ngay trong những ngày đang “sôi khinh nấu sử”. Hẳn nhiều người khó tin đây là bài thơ của chàng trai mới 19 tuổi:
元 宵
碧 有 桃 溪 綠 有 山
夜 天 半 暖 半 猶 寒
東 園 晴 外 風 千 里
古 寺 更 中 月 一 團
煮 道 手 随 黄 卷 熟
忘 機 足 等 白 鷗 閒
盘 桓 小 坐 鷄 声 裡
柏 案 狂 歌 笑 滿 顏
(1925)
Phiên âm:
Nguyên tiêu
Bích hữu đào khê lục hữu san
Dạ thiên bán noãn bán do hàn
Đông viên tình ngoại phong thiên lý
Cổ tự canh trung nguyệt nhất đoàn
Chử đạo thủ tùy hoàng quyển thục
Vương cơ túc đẳng bạch âu nhàn
Bàn hoàn tiểu tọa kê thanh lý
Phách án cuồng ca tiếu mãn nhan.
Dịch nghĩa:
Rằm tháng Giêng
Màu biếc có hoa đào ở khe suối, màu lục có ở núi non
Ban đêm trời nửa ấm, nửa còn lạnh
Vườn bên Đông đã tạnh mưa, gió từ ngoài ngàn dặm thổi về
Ngôi chùa cổ về khuya chỉ có một vầng trăng
Nấu nung đạo lý, trong tay có quyển sách vàng đã học thuộc
Theo bước chân vô tư đàn Hải âu cánh trắng
Trằn trọc mãi, ngồi dậy một lát đã thấy gà hàng xóm gáy vang
Rồi vỗ vào bàn, hát nghêu ngao, má đỏ bừng, cười vang.
Không khó hiểu khi Trần Duy Vôn lấy tên hiệu là Nhàn Vân Đình (Đám mây trôi trên mái đình). Về sau ông còn lấy một số bút danh khác: Hải Âu (một loài chim biển rất dạn dĩ với người), Mạc Như (chẳng ai như mình). Mang trong mình những phẩm chất của Tư Mã Thiên “Độc vạn quyển thư / Hành thiên lý bộ” (Đọc hàng vạn cuốn sách, đi hàng ngàn dặm đường). Nhưng Nhàn Vân Đình sinh không gặp thời. Nhiều bài thơ của ông chứa đựng tư tưởng vô vi, yếm thế. Song trong việc làm cụ thể, ông lại là người tích cực, nhập thế.
Hai mươi tuổi, ông đã viết thơ chúc mừng nhà vua mới lên ngôi. Ngoài việc dâng hai cuốn sách đã kể, ông từng hai lần xin yiết kiến Hoàng đế trình bày ý nguyện. “Tri bất quá hành”, “hành” của Nhàn Vân Đình chủ yếu là viết: Nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác. Nhưng thơ phú vẫn là lĩnh vực ông bộc lộ mình nhiều nhất. Con trai cả Nhàn Vân Đình – ông Trần Trọng Đa thật có lý khi đặt tên cuốn di cảo của cha mình là “Nhàn Vân Đình thi sử”. Toàn bộ hành trình số phận của Nhàn Vân Đình được ghi lại bằng thơ. Thơ vịnh danh lam, thắng cảnh đất nước từ động Tam Thanh (Lạng Sơn), hồ Xuân Hương (Đà Lạt) …đến Chiêu Anh các (Hà Tiên).
Có lúc tưởng như ông đã hòa tan vào biển cả, đất trời:
…Rượu rót đầy vơi chén tử hoa
Ngả nghiêng trời đất cùng khề khà
Thơ đề réo rắt vần thần ca
Gật gù ngồi say cùng ngân nga
Bóng hạc khoan khoan mây sà sà
Tiếng triều róc rách vang nổi ca
Trời đất chẳng già biển chẳng già
Nghìn năm muôn năm ta vẫn ta
Nhưng Nhàn Vân Đình là người ưu thời mẫn thế, tri âm tri kỷ. Ông cảm thán Chí sĩ Phan Bội Châu:
Ôi cụ Sào Nam Phan Bội Châu
Ôi đời danh tiết bấy nhiêu lâu
Nắng mưa mặt dạn trò thiên diễn
Sắt đá tim che quả địa cầu
Tiếng khóc Bao Tư đương giãi tỏ
Con chèo Phạm lãi vội đưa mau
Bẩy mươi tư tuổi ôi là mấy
Non nước còn kia cụ đã đâu
…Và tiếc thương thi hữu Tản Đà:
Nhìn mây núi Tản nước sông Đà
Nước chảy mây tàn khuất nẻo xa
Thi sĩ vẩn vơ hồn chín suối
Tao Đàn ngơ ngẩn nghĩa đôi ta
Mấy tờ báo cũ mang đi hết
Riêng Khối tình con để lại à?
Nhớ ở Vị thành khi gặp gỡ
Nhà lan còn ngát nụ cười hoa
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nhàn Vân Đình luôn là người trọng danh tiết. Bảo tàng huyện Hải Hậu, tại phòng trưng bày hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn lưu lại một ống bương có nắp đậy, chạm trổ rất đẹp với lời chú thích: Ống đựng nước của ông Vôn đi dân công Hòa Bình. Đây là tác phẩm độc đáo có khắc bài thơ tứ tuyệt:
昆 山 竹 也 高
沱 江 水 也 深
高 深 有 知 己
一 飲 青 仁 心
Côn Sơn trúc dã cao
Đà giang thủy dã thâm
Cao thâm hữu tri kỷ
Nhất ẩm thanh nhân tâm.
Dịch nghĩa;
Côn Sơn trúc cao cao
Đà giang nước sâu sâu
Cao sâu có tri kỷ
Uống nước tâm sạch làu.
Cuộc đời Nhàn Vân Đình có quãng cực kỳ bi đát. Ấy là khi ông bị quy sai trong Cải cách ruộng đất, bị giam cầm:
Thấy món ăn đưa, hỏi? – Giỗ bà!
Con rằng: Nhớ giỗ cúng qua loa
Bán rơm đong gạo đun vài bát
Sẵn cá kèm rau nấu mấy hoa
Lễ bạc thẹn thùng dâng nhỏ mọn
Lòng thành mong mỏi thấu cao xa
Cỗ bàn đợi bố ra tù đã
Lửa ngát hương thơm rạng nếp nhà
Rồi ngày ông mong đợi cũng tới. Ông đã được xã hội biết đến với tư cách một nhân tài, ông được cơ quan nhà nước trọng dụng. Đó là thời kỳ ông công tác ở Ban Hán Nôm (sau là Viện Hán Nôm, UBKHXH Việt Nam). Đây là bài phú thể hiện tâm trạng phấn chấn của ông. Lời văn thật thanh thoát, hóm hỉnh:
Khách có kẻ
Qua từ ngoại ô – Vào thăm thủ đô
Chấn võ ừ! Xem quán; Huy văn ừ! Viếng chùa
Đủng đa đủng đỉnh, lần tới Tháp Rùa
Như lọt vào tai tiếng nhỏ tiếng to
Ồ! Không phải chim quyên mà khắc khoải
Không phải chim oanh mà líu lô
Còn đương suy nghĩ, gặp ngay cụ đồ
Cầm tay thưa cụ: Tiếng gì? Ở mô?
Ồ! Ồ! Ồ! Không biết ru?
Đó là tiếng Cồ Việt, tiếng Bố Cái
Đó là lời Lê, Lý, Trần , Ngu.
Đó là tiếng ban Hán Nôm
Những tiếng phiên dịch Hán Nôm
Những tiếng học tập Hán Nôm
Hay là tiếng nghiên cứu cổ điển
Xưng hô có khác. Mặc dù.
Khách! Ông ạ!
Nước Việt Nam ta sau năm min-nơp-xăng-li-nơp
( 1919 – mil neuf cel lit neuf )
Bãi khoa thi Hán, thôi học chữ Nho
Vì thực dân Pháp muốn dân ta ngu
Văn hóa nô dịch, nhồi óc học trò
Xừ Thám, xừ Tham bông-xoa-ma-đam là chữ nổi bật
Ông Nghè, ông Cử, bút thần thơ thánh, là chữ nằm co.
Dân hai mươi triệu gọi là Đông Pháp
Nước bốn ngàn năm xếp chặt chữ bỏ bồ.
Từ khi thành lập chính phủ cụ Hồ
Phất cờ độc lập, thống nhất cơ đồ
Mở rộng văn hóa xã hội, thu tìm vốn cũ trong kho
Vì thế lập nên ban Hán Nôm có đủ tổ Sử, tổ văn, tổ Nôm, tổ Triết mà những cán bộ Hán Nôm rất nhiều nào già, nào trẻ, nào chú, nào cô;
Muôn quyển ngàn pho, thảy đều dịch ra quốc ngữ, chú thích hiệu đính, kể ra cũng lắm công phu.
Gật gù “Nhất tự thiên kim” ngâm nga câu đắc ý
Lủng củng “Tam sao thất bản” biện luận nghĩa hồ đồ
Câu Truyện câu Kinh, giảng dạy lớp trên đại học
Chữ Chân chữ Thảo, rèn chung những lớp chuyên tu
Như sống lại Lý Thường Kiệt tờ lộ bố phạt Tống
Càng tươi thêm Nguyễn Ức Trai bài Đại cáo bình Ngô
Lẫy lừng từ Nam chí Bắc thành những hồi trống giục chuông khua
Khách ở thôn quê, tĩnh mịch ruộng vườn cổ mãi; Nay qua thành thị, rỡ ràng như hoa gấm mới phô.
Nghe xong, khách vỗ tay mừng rằng;
Nhờ cụ bảo cho, biết rõ nguyên do
Tự nhiên sức bật, phấn khởi thi đua
Tinh thần “Nhị nhị bát” (chỉ thị 228) sáng rực như bóng trăng vừng nhật
Sự nghiệp “Nhật nhật tân” lâu bền như núi tản sông Tô.
Này ban Hán Nôm! Này ban Hán Nôm!
Mấy lời thành thực
Tôi xin nhiệt liệt hoan hô!
…
Tiếc thay! Thời gian Nhàn Vân Đình công tác ở ban Hán Nôm chỉ vẻn vẹn 7 năm. Tuổi già và bệnh tật đã không để ông tiếp tục sống và cống hiến cho đất nước!
*
* *
74 năm, một cuộc đời sóng gió lắm vinh quang nhưng cũng đầy cay đắng. Lúc đắc thời, khi thất thế Nhàn Vân Đình Trần Duy vôn luôn là bậc Chân quân tử, sống hết mình vì nghĩa lớn, giản dị, chân thành, ung dung, tự tại. Bài ‘Tự Thuật” ông viết năm 1953, đã hiển hiện phẩm cách con người ông:
Sống giữa trần ai một giấc mơ
Mặc ai khôn khéo, mặc ai khờ
Tiêu dao trời đất bầu xuân rộng
Hưởng thụ cha ông cõi phúc thừa
Tắm mát linh hồn, be chuốc rượu
Cười giòn thân thế, túi nghiêng thơ
Mưa Âu gió Á dù thay đổi
Một áng mây nhàn vẫn lửng lơ.
Đất Quần Anh, Nam Định có Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn. Người gần, kẻ xa có thể không biết tên tuổi và sự nghiệp của ông. Ông vẫn đấy, sừng sững trong tâm khảm của những người trọng văn, trọng chữ. Ông đã hóa thân vào những áng mây phiêu lãng giữa trời xanh.
Hải Trung, tháng 7 – 2006