Tác giả: | Cập nhật lần cuối: 24-09-2023 | 715 lượt xem

Viết về cụ Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn

cụ Nhàn Vân Đình tên thật là Trần Duy Vôn, sinh năm 1906 tại làng Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (là xã Hải Anh ngày nay).  Cụ là một thành viên của chi họ ta,  là một trong những thành viên biên soạn bộ gia phả  của dòng họ (1938 -1948). Cụ còn là một người nổi tiếng trong giới nghiên cứu và khảo nghiệm Hán Nôm. Nhiều tác phẩm của cụ vẫn còn được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống Nho học, từ nhỏ Tiên sinh đã được theo học thi thư. Vốn tính thông minh hiếu học, lại có được trí nhớ thiên bẩm, Tiên sinh học giỏi đọc rộng nhớ nhiều, nên có được vốn tri thức Hán học uyên bác mà đương thời ít ai sánh kịp. Thuở tráng niên, Tiên sinh viết báo, soạn sách. Hiện trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hàng chục cuốn sách do Tiên sinh soạn thảo như Khởi đầu sự lục, Nam sử tư kí, Nam thư mục lục v.v. Trong số sách này, đa phần là sách công cụ tra cứu, giúp ích rất nhiều cho việc học tập nghiên cứu Hán văn. Đầu năm 1972, Tiên sinh được mời về làm cộng tác viên thường trú ở Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Tại đây Tiên sinh đã có đầy đủ điều kiện để phát huy tất cả sở học của mình vào việc soạn thảo, biên dịch, khảo cứu, đặc biệt là việc hướng dẫn bảo ban thế hệ trẻ.

Đóng góp với dòng họ

Là người hay chữ, cụ đã có nhiều đóng góp đối với việc tu phả của dòng họ.

Sách phả đầu tiên của họ Chiêu Lai ta được biên soạn từ năm 1787, đời vua Lê Chiêu Thống, nguyên niên tháng 9 ngày 20 . và một quyển vào ngày 20 tháng 7 năm Duy Tân (1910). Ngoài ra còn một quyển không rõ năm nào.

Vào năm Bảo Đại thứ tám – tháng giêng ngày 10 năm Quý Dậu (tức ngày 4-2-1933), cụ Trọng Vôn và cụ Bá Thiếp có soạn sửa một bản bằng chữ Nho. Sau đó dịch lại sang chữ Quốc Ngữ vào năm 1938 bởi 4 cụ tri thức trong họ gồm:

  1. Cụ Bá Nghi – sinh năm Tân Tị (1871)
  2. Cụ Bá Đạm – sinh năm Giáp Thân (1884)
  3. Cụ Bá Long – sinh năm Nhâm Thìn (1892)
  4. Cụ Trọng Vôn – sinh năm Bính Ngọ (1906)

Trong bài Lược ký và khuyến miễn (1938), có viết: 

“Khi bàn đến việc học của con em trong họ, xét thấy việc học chữ Việt Nam… có phần bành chướng, mà về chữ nho thì số người theo học ít dần đi nhiều lắm. Cho nên họ ta đã định theo phả chữ nho mà dịch ra Việt văn, để tiện việc xem xét tra cứu về sau.”

Như vậy, có thể nói từ những năm trước cách mạng, các cụ trí thức trong họ đã có tầm nhìn xa, suy nghĩ về việc lưu trữ và truyền lại gia phả cho các thế hệ về sau sẽ gặp nhiều khó khăn. Do sự thay đổi của xã hội đương thời. Việc tu phả kéo dài từ năm 1938 đến tận năm 1948 mới hoàn thành. Thể hiện sự cẩn trọng, tỉ mỉ, và thành tâm của các cụ với công việc của dòng họ. Đây cũng là tấm gương, để những thế hệ sau của dòng họ học tập và noi theo.

Thành viên tích cực của Viện nghiên cứu Hán Nôm

PGS.TS. NGUYỄN TÁ NHÍ, một người có rất nhiều đóng góp cho lĩnh vực Hán Nôm, đã tâm sự rằng:

Cuối năm 1972 tôi được phân công về công tác học tập tại Ban Hán Nôm, thế là có cơ may được gặp Tiên sinh. Ngày ấy do hoàn cảnh khó khăn, nên các cán bộ xa nhà được cơ quan bố trí cho ăn nghỉ ngay tại trụ sở làm việc. Cơ duyên này đã cho phép một số anh em chúng tôi nhận được sự giáo dưỡng dìu dắt của Tiên sinh nhiều hơn. Ngày ấy, thông hiểu với hoàn cảnh gia đình tôi, Tiên sinh liền khuyến miễn tôi bằng một đôi câu đối chữ Hán:

溫 故 以 知 新 詩 書 是 讀

慕 慈 而 悌 長 倫 理 斯 行

Ôn cố dĩ tri tân, thi thư thị độc;

Mộ từ nhi đễ trưởng, luân lí tư hành.

Nghĩa là:

Học cũ để mà biết mới, thi thư này nên học;

Thương mẹ song phải kính anh, đạo lí ấy nên theo.

Giờ đây, kiểm điểm lại hành trang mà tôi có được trong cuộc đời, thì tư tưởng của đôi câu đối này quả là kim chỉ nam dẫn đường cho tôi.

.Trong thời gian sống và làm việc, cụ đã trước tác, biên tập, sưu tập nhiều đầu sách Hán Nôm. Không kể số sách cụ gửi tặng bạn bè thân hữu hoặc còn lưu lại ở quê hương cho con cái, chỉ riêng ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi đã tìm thấy 12 tên sách do cụ biên tập, khảo cứu. Có thể liệt kê như sau:

     1. Đại Nam cao tăng liệt truyện, kí hiệu VHb.313

     Sách gồm 2 phần: Truyện về các Cao tăng Việt Nam và Khảo về Phật giáo du nhập vào Việt Nam (được trích từ báo Nam Phong).

      2. Đại Nam Gia Long thực lục, kí hiệu VHv.2949

     Chép lại sử thời kỳ Gia Long vào năm Bảo Đại 13 (1938)

     3. Đế vương bảo giám, kí hiệu 314, biên soạn năm Bảo Đại 6 (1931).

     Sưu tập các câu nói, lời bàn của Khổng Tử, Mạnh Tử, Đường Huyền Tông… về việc trị nước của các bậc đế vương, trích từ các sách như Luận ngữ, Mạnh Tử, Kinh Thi, Đường Quân thư…

      4. Hà thành thi sao, kí hiệu VHb.319, biên tập năm 1975

     Sưu tập các bài thơ viết về Hà Nội trong các sách Hoàng Việt thi tuyển, Truyền kỳ lục, Thăng Long cổ tích khảo… của các nhà thơ nổi tiếng như Trần Nguyên Đán, Phạm Sư Mạnh, Phạm Công Trứ…

     5. Hồ Xuân Hương khảo tài liệu, kí hiệu VHb.320, biên tập năm 1974

     Khảo cứu những bài viết và những tác giả nghiên cứu về Hồ Xuân Hương.

     6. Khởi đầu sự lục, kí hiệu A.3093, biên tập năm Bảo Đại 8 (1933)

     Ghi chép từ các sách cổ kim đông tây về những vấn đề như: Quốc thổ, tính thị, tôn giáo, thuật số, văn tự, quan chế, phong tục…

     7. Nam thư mục lục, kí hiệu A.3098

     Ghi mục lục 512 bộ sách của các tác gia Việt Nam từ Triều Lý đến triều Nguyễn, xếp theo thứ tự từng triều đại, từng tác giả.

     8. Song quang thiền lục, kí hiệu VHb.321, biên soạn năm 1950

     Ghi sự tích và di văn chùa Viên Quang và Thần Quang (được xây dựng từ triều Lý ở huyện Liên Thuỷ, Nam Định).

     9. Số thứ loại biên, kí hiệu VHv.2964, biên tập năm 1946

     Sách tra cứu thuật ngữ có mang chữ số về Nho, Phật, Gia tô..

     10. Thiên tiên truyện khảo, kí hiệu A.3094, biên soạn năm Bảo Đại 10 (1935). Khảo về Công chúa Liễu Hạnh (một trong Tứ bất tử) gồm: 41 bài thơ, 6 bài văn tế, 27 câu đối, 1 văn bia, 1 giáng bút.

     11. Trần vương khảo truyện, kí hiệu A.3095, biên khảo năm Bảo Đại 7 (1932)

     Khảo cứu lịch sử, kê văn, tế văn, tự đối, bi ký, thi văn về Trần Hưng Đạo. Chép bài văn tế đền Vạn Kiếp do Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn.

     12. Việt Nam hiệu tước từ điển, kí hiệu VHv.2960, biên tập năm 1967.

     Từ điển sắp xếp theo vần chữ cái La tinh dùng tra cứu miếu hiệu, thụy hiệu, lăng miếu, niên hiệu, tước hiệu của các nhân vật Việt Nam thời cổ. Có ghi tiểu sử của nhân vật.

  Đặc biệt, phải kể đến cuốn Đế vương bảo giám, kí hiệu VHb.314, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách gồm 160 trang chữ Hán và một phần nhỏ chữ Nôm ở đầu sách; khổ 15x20cm, viết trên giấy dó, chữ viết chân phương đá thảo. Sách gồm 2 phần: Phần đầu giới thiệu sách, quá trình tiến dâng sách, bài biểu tiến sách và mục lục; Phần hai là phần chính, trích soạn 21 chương theo chủ đề, bao gồm các phần: Hành chính, Hiếu học, Tiến đức, Tự tỉnh, Cẩn ngôn, Hiếu niệm, Kính thiên, Pháp tổ, Mục tộc, Hiếu hiền, Bỉnh tín, Tiết kiệm, Thưởng phạt, Ngoại giao, Vũ bị, Viễn nịnh, Khứ sàm, Nạp gián, Minh sát, Ái dân, Dụng nhân.

     Nguyên uỷ của sách này được cụ Trần Duy Vôn nói ở lời đề tựa như sau: Đế vương bảo giám được lấy trong sách cổ như kinh truyện, sử ký, chư tử. Phàm thuộc những việc của đế vương, phụng trích yếu, phân loại, biên tập nên. Trên viết nguyên văn, dưới dùng chữ Quốc ngữ dịch ra âm nghĩa. Tuy nhiên, quyển sách trên viết nguyên văn, dưới dùng Quốc ngữ như tác giả nói ở đầu sách hiện không còn nữa. Điều lý giải tại sao, chúng tôi đã tìm thấy ở cuối sách VHv.314 có mấy dòng viết bằng chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) như sau: “Quyển sách trên đây nguyên viết 2 bản đủ nguyên văn chữ Nho dùng quốc ngữ (chữ Nôm) phiên âm dịch nghĩa đầy đủ, 1 cung tiến, 1 lưu lại ở nhà. Năm cải cách bị đội cải cách tịch thu. Nay chỉ còn bản sao chữ Nho sơ lược này do ông bạn Đặng Khê mua được mà cho lại.

Sách còn ghi lại chỉ chuẩn cho cụ như sau:

     Chuẩn Tòng cửu phẩm Văn giai Trần Duy Vôn (Nam Trực tỉnh Hải Hậu phủ Quần Phương Thượng xã) trước tác hữu công. Thưởng thăng cải thụ Hàn lâm viện cung phụng, đẳng nhân nhiếp thử tòng lục, tuân phụng. Tư lục giả.

Hàn lâm viện cung phụng Trần Duy Vôn báo chiếu.

Nghĩa là:

Chuẩn cho Tòng cửu phẩm Văn giai Trần Duy Vôn (người xã Quần Phương Thượng, phủ Hải Hậu tỉnh Nam Định) trước tác có công. Ban thưởng cho và thăng cho nhận chức Hàn lâm viện cung phụng, các ngươi hãy tuân lệnh và ghi vào. Tuân phụng. Nay ghi lại.

Hàn lâm viện Trần Duy Vôn y lệnh.

Sau chỉ dụ có kèm theo sắc văn như sau:

Sắc Tòng cửu phẩm văn giai Trần Duy Vôn trước tác hữu công. Tư Lại bộ thần thanh thỉnh chuẩn nhĩ thưởng thăng cải thụ Hàn lâm viện cung phụng. Khâm tai!

Bảo Đại thập lục niên thập nhất nguyệt thập tứ nhật

Thống sứ quan ấn tịnh kí.

Nghĩa là:

Sắc ban cho Tòng cửu phẩm văn giai Trần Duy Vôn, trước tác sách có công. Nay bộ Lại biết tiếng, xin cho phép thăng thưởng, đổi cho nhận chức Hàn lâm viện cung phụng. Kính lấy.

Ngày 14 tháng 11 năm Bảo Đại 16 (1941)

Quan Thống sứ đóng dấu và kí.

 

Chia sẻ

close