Nguồn gốc Tết Trung Thu
Chính tết diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám. Về nguồn gốc của tết này, có ý kiến cho rằng, xuất phát từ Trung Quốc, với sự tích về nàng Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý phi), có nhan sắc khuynh thành, được Đường Huyền Tông sủng ái. Triều thần cho rằng vua quá say đắm nàng mà bỏ bê triều chính, nên đã ép vua ban cái chết cho nàng.
Sau khi Dương Quý phi mất, vua nhớ thương da diết. Cảm động trước tình cảm này, các nàng tiên đã quyết định đưa vua lên trời gặp lại Dương Quý phi vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu. Sau khi về trần gian, vua lấy ngày rằm tháng Tám để tưởng nhớ nàng phi của mình. Trên thực tế, Tết Trung thu ở Trung Quốc có rất nhiều tình tiết khác nhau, không chỉ về lý giải nguồn gốc, mà còn về các dạng thức biểu hiện.

Tết trung thu xưa
Còn ở Việt Nam, theo nhiều tài liệu ghi lại, Tết Trung thu là ngày vua Lý(1009-1225) tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no, hạnh phúc.
Trung thu là giữa mùa thu, khi những ngày nóng bức cuối cùng của mùa hè còn sót lại sau hơn một tháng Lập thu vừa qua đi (tiết Lập thu thường vào cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy, ứng với ngày 5 hoặc ngày 6/8), trời chuyển sang mát hắn, với nắng vàng, gió heo may, đặc biệt là trời rất trong và xanh, vầng trăng vào dịp này như sáng hơn, tròn hơn. Thời gian này cũng là lúc công việc nhà nông bước vào thời điểm “nông nhàn” nhất, lúa đang làm đòng, ở những vùng trung du và vùng cao dưới đồng bằng có lúa “ba giăng” đã chín. Đây cũng là thời điểm nhiều loại hoa quả, như bưởi, na, chuối, hồng… vào chính vụ. Các yếu tố trên hội tụ với nhau là duyên cớ giúp con người bày ra Tết Trung thu để ngắm trăng, thưởng thức hoa quả, tâm tình, có người (hoặc nhóm) làm thơ và ngâm thơ. Ở các vùng đồng chiêm, Tết Trung thu càng có ý nghĩa, vì theo quan niệm của người xưa, thời tiết, nhất là độ tròn và sáng của trăng vào dịp này, đặc biệt là trăng đêm rằm có quan hệ với mùa vụ của vụ chiêm năm sau (Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám).
Như vậy, về nguồn gốc và bản chất, Trung thu là tết của người lớn, kết thúc một giai đoạn của một mùa vụ sản xuất nông nghiệp. Song, về sau, không rõ từ bao giờ, người lớn đã dành tết này cho trẻ em, giống như trường hợp Tết Xíp xí của người Thái.
Trước ngày chính Tết, các gia đình sắm sửa lễ vật cho ngày chính lệ. Ngoài các đồ để bày cỗ mặn cúng gia tiên, còn mua các loại quả (một phần để cúng gia tiên, phần để trẻ bày cỗ), các loại bánh mà phổ biến nhất là bánh nướng và bánh dẻo; các loại đồ chơi như mặt nạ, đèn ông sao, nhà có điều kiện thì làm đèn kéo quân.
Một đồ chơi khác không thể thiếu của trẻ em trong Tết Trung thu là “ông tiến sĩ” (chủ yếu làm bằng giấy, một số ít làm bằng sứ), với ngụ ý, mong mỏi con chăm chỉ học hành, học giỏi để có thể đỗ tiến sĩ, làm thay đổi thân phận bản thân, gia đình.
Từ cuối buổi chiều và buổi tối trước chính tết vài ngày, xóm làng rộn rã với tiếng trống của các đội múa lân thiếu nhi. Ngày rằm, các gia đình sửa lễ cúng gia tiên. Buổi tối, trẻ con từng nhà hoặc cụm nhà bày cỗ bánh, hoa quả để ngắm trăng, đi rước đèn, múa lân, khoảng 21 giờ, trở về phá cỗ.
Trung thu cũng là dịp con cháu biếu ông bà, bố mẹ, học trò biếu thầy, người bệnh biếu thầy thuốc để tỏ lòng kính trọng, biết ơn. Một số làng có tục biếu đặc biệt, như làng Tống Xá (xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), vào dịp Trung thu, nam nữ thanh niên chưa vợ chưa chồng phải mua bánh kẹo, tặng đồ chơi cho các cháu ruột của mình; dù làm ở xa cũng phải về thăm và tặng quà cho các cháu, nếu không về được phải gửi quà về.
Từ ngày mồng 10 đến khoảng 20 tháng Tám, ở nhiều làng, nam thanh, nữ tú tập hợp trên các cánh đồng để hát Trống quân.
Tết rằm tháng Tám hay Tết Trung thu ngày nay có nhiều thay đổi. Tục làm cỗ cúng gia tiên vẫn được duy trì ở đa số các làng quê, song có xu hướng dành nhiều cho trẻ em hơn. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều đồ chơi truyền thống không còn được duy trì, có đồ chơi mang tính giáo dục cao (như ông tiến sĩ) đã không còn xuất hiện trong dịp Tết Trung thu, thay vào đó là đồ chơi điện tử ngoại nhập bắt mắt, trong đó, không ít đồ chơi mang tính bạo lực. Tục biếu nhân dịp Tết Trung thu cũng đang bị biến tướng, bị lợi dụng để hối lộ .