Tác giả: | Cập nhật lần cuối: 16-04-2025 | 7 lượt xem

Huyền thoại về Chó Đội Nón Mê

Không phải ai sinh ra cũng được bước trên sàn diễn rực rỡ ánh đèn. Có kẻ chọn ánh hào quang, có kẻ lại chọn… mái ngói giữa đêm khuya. Nó không sủa bậy, không gặm dép – mà đội nón, chống gậy, lầm lũi bước đi trên mái nhà.
Thế nhân gọi nó là Chó Đội Nón Mê…

Tranh: Kỹ thuật người An Nam – Henri Oger

Chủ đề này từng được đề cập đến trong bộ truyện “Đất Độc” gắn với ký ức của nhiều người.
Các cụ ngày xưa tin rằng những gia đình gây nhiều sát nghiệp, đến khi phúc khí cạn kiệt sẽ xảy ra những điềm quái dị trong nhà và mảnh đất nơi họ ở sẽ có yêu quỷ ẩn nấp. Có người kể lại rằng khi có một vong hồn quỷ quyệt nương trú vào gia đình, nó sẽ nhập vào bào thai của con chó cái đang sống trong nhà. Nó sẽ ra đời dưới hình dạng một con chó đực toàn thân phủ lông trắng và cái mũi đỏ sậm. Kể từ khi lọt lòng mẹ, nó khỏe mạnh hơn hẳn những con cùng lứa, các anh chị em của nó sẽ lần lượt chết đi vì bị nó hút mất sinh khí. Đến khi nó đủ lớn thì con chó mẹ cũng sẽ tự nhiên qua đời.
Người ta tin rằng nó là loài Tinh Chó, tuy trong xác chó nhưng cốt là quỷ. Ban ngày nó giả vờ đi lại bằng bốn chân nhưng đêm đến nó sẽ vươn người đứng dậy. Do vẫn trong xác chó nên khi đứng lên nó cần phải chống một cây gậy để bước đi. Khi chủ đi vắng, nó sẽ leo lên chiếc võng nằm đung đưa, bật cười thỏa mãn với giọng ồm ồm của một con chó. Đến những đêm rằm, để lánh các vị Thổ Thần đi tuần tra nó sẽ leo lên mái nhà, chống gậy bước đi, đầu đội chiếc nón lá để ánh trăng không chiếu vào mặt nó, nếu không các vị tiên thánh sẽ nhìn thấy bộ mặt yêu ma và ngày hôm sau trời nổi giông gió, Thiên Lôi sẽ đánh chết nó. Khi đi trên mái nhà, chiếc gậy của nó tạo ra âm thanh khiến người ta nghĩ là ăn trộm. Nó sẽ lật mái ngói để rình trộm những người đang ngủ, nở một nụ cười ma mãnh rồi tìm cách lẻn vào giấc mơ tạo ra những cơn ác mộng. Có lúc nó sẽ rủ lũ ma quỷ đến nhà chơi lúc nửa đêm, dùng thức ăn của chủ để đãi bạn bè, chúng cùng ăn và cười khúc khích dưới bếp. Ngày hôm sau, chắc chắn toàn bộ thức ăn trong nhà sẽ ôi thiu, thậm chí có dòi bọ.
Nó khiến cho tâm trạng những người trong nhà luôn bất an hoặc bực dọc, cộc cằn. Trong gia đình sẽ thường xuyên xảy ra xung đột, các thành viên dần chia rẽ. Nếu ai vô tình nhìn thấy hành vi bất thường của nó và sợ hãi la hét, nó sẽ nhân lúc họ há to miệng để ăn hồn phách của họ. Khắc tinh của chó đội nón mê chính là con chó tứ túc huyền đề, đây là loại chó mực có bộ lông đen tuyền nhưng các ngón chân lại có màu khác. Máu của tứ túc huyền đề thần khuyển cũng được xem là cách để chữa trị cho những người phụ nữ bị quỷ Phạm Nhan quấy phá. Chó trắng mũi đỏ là loại quỷ tinh ranh đã đầu thai vào xác chó chứ không phải các vong ma thông thường, người ta bảo rằng các loại bùa chú hay thần phù không thể ngăn cản nó mà chỉ có Mật Chú của chư Phật mới trừ được loại quỷ này. Theo người xưa, chó đội nón mê là điềm gở cho thấy mảnh đất gia đình sinh sống chứa nhiều âm khí nặng nề, nơi đó có thể liên quan đến sát sinh hay các tội ác khó dung thứ. Việc xuất hiện chó trắng mũi đỏ cũng được xem là báo hiệu cho việc trong nhà có người sắp qua đời, yêu quỷ đến sống để canh bắt hồn người chết. Ngoài ra, nó cũng là thứ tiền nhân dùng để cảnh báo và răn dạy các gia đình làm những chuyện bại hoại đạo đức, phá bỏ luân thường.
Truyền thuyết phổ biến nhất kể lại rằng ngày xưa tại một ngôi làng có gia đình phú hộ rất giàu có, hai vợ chồng ông có một cô con gái xinh đẹp. Con chó cái trong nhà đẻ ra 5 con chó con, trong đó có một con giống đực, lông trắng, mũi đỏ. Nhà ông là nhà ngói, mái dốc, rất khó leo. Vậy mà một đêm kia, ông nghe như có tiếng người chống gậy đi trên nóc nhà. Âm thanh kỳ lạ cứ xuất hiện suốt nhiều đêm liền, ông cho rằng có kẻ trộm rình rập nên cầm cây nỏ đi ra sân để bắt tên này nhưng ông lại chứng kiến một cái bóng cao tầm đứa trẻ 8 tuổi đội nón lá và chống gậy, nó vụt mất trước khi ông kịp phản ứng. Ngày hôm sau, bà vợ ông tìm mãi không thấy cái nón lá thường đội. Một người làm trở vào mang theo cây gậy và nón lá của bà bảo là tìm thấy ở luống rau gần nhà, ông để ý ở bên trong nón lá có dính nhiều sợi lông ngắn màu trắng. Gần nhà có ông giáo già mấy hôm nay cứ sang mời phú hộ sang nhà nói chuyện nhưng vì bận rộn nên phú hộ chưa có dịp. Hôm nay ông giáo lại sang mời, phú hộ nể mặt qua một chuyến. Phú hộ thắc mắc có việc gì sao ông giáo lại cứ muốn ông sang tận bên này, ông giáo bảo:
– Việc này phải nói ở nhà tôi, chứ ở bên ấy con chó trắng nó nghe trộm.
Rồi ông giáo kể cho phú hộ nghe về con Tinh Chó biết đội nón chống gậy. Phú hộ cho là hoang đường, tuyệt đối không tin. Không lâu sau con gái của ông lâm bệnh nặng, cô gái thường ngày nhan sắc mặn mà nay đã trở nên hốc hác xanh xao. Một hôm, cô gái cố hết sức kể cho cha nghe rằng tầm 1 tháng gần đây, mỗi đêm cô đều mơ thấy một chàng trai có gương mặt kì dị trèo qua cửa sổ đến cưỡng bức cô, anh ta không nói gì ngoài tiếng gầm gừ và giọng cười ma quái. Ông nghe vậy liền hoảng, cho rằng có kẻ ganh ghét trù ếm con mình nên tìm thầy đồng xin bùa về dán quanh phòng con nhưng cô gái lại càng chiêm bao nhiều hơn, sức khỏe suy kiệt, một vài lá bùa còn có vết móng vuốt cào rách. Lúc này phú hộ mới tin lời ông giáo, ông sang hỏi và được ông giáo chỉ rằng:
– Ông phải mau hóa kiếp cho nó càng sớm càng tốt nhưng tuyệt đối không để nó biết được ông muốn giết nó, nếu không nó sẽ giết cả nhà ông trước.
Ngay khi ông giáo nói xong, cả hai người phát hiện con chó trắng đã nấp ở bụi rậm nghe hết mọi thứ, nó vụt chạy mất. Kể từ hôm đó không ai nhìn thấy nó đâu nữa. Một đêm ông nghe tiếng bát đũa khua dưới bếp, lén lút rình xem là ai thì kinh hoàng phát hiện có vài “đứa” đang ngồi dưới bếp ăn cơm. Tất cả đều nhỏ thó tựa trẻ con, đứa có mình chó đầu người, đứa lại thân người đầu chó, chúng nó cùng nhau ăn ngấu nghiến các món trong bếp nhà ông. Ngồi cạnh chúng là con chó trắng mũi đỏ. Chúng cười với nhau và bàn bạc:
– Phải tranh thủ bắt hồn hết cả nhà nó.
– Em sẽ bắt đứa con gái, nó xinh quá!
– Này, chúng mày be bé cái mồm thôi!
Một đứa nhìn về phía ông:
– Thằng già nghe cả rồi đấy!
Ông hoảng hồn chạy về phòng, hai vợ chồng ôm nhau thao thức suốt đêm. Hôm sau, ông nghe lời ông giáo đi ra miếu Thành Hoàng để xin thần linh giúp đỡ. Khi trở về thì có một vị sư bà đứng ở trước nhà. Ông đến hỏi chuyện và sư bà bảo:
– Bần ni trên đường hành hương đi ngang qua đây, muốn xin ông cho tá túc một vài hôm. Tôi không cần gì nhiều, chỉ mong ông cho tôi một chỗ ngồi tụng kinh niệm Phật và một manh chiếu để nghỉ ngơi.
Ông phú hộ thấy gia đình đang trong cảnh như thế thì rất muốn làm phúc mong Trời Phật thương. Ông dành gian thờ gia tiên của mình để sư bà đặt pho tượng Phật Thích Ca lên đấy, sắm một bộ chuông mõ để sư tụng kinh, chuẩn bị nơi để sư nghỉ ngơi thoải mái. Sư bà thắp hương lên ban thờ và bắt đầu đọc những bài Mật Chú, sư cứ tụng từ sáng đến tối, từ khuya đến sáng, chỉ ăn đúng một bữa vào giờ ngọ. Vợ chồng phú hộ tuy không hiểu sư bà đang làm gì nhưng họ tin bà đang khấn xin Bồ tát che chở cho gia đình nên luôn kính cẩn chăm sóc sư bà.
Cũng trong những ngày đó, âm thanh trên nóc nhà hay tiếng lục lọi dưới bếp không còn, cô con gái cũng ngủ say mà không còn mộng mị gì nữa. Đến ngày thứ 3, sư bà dừng đọc chú, dùng một bữa cơm chay cùng gia đình, căn dặn họ cố gắng tích lũy phúc đức, làm việc thiện lành rồi ra đi. Khi sư bà vừa đi khỏi họ đã nghe tiếng hô hoán của người làm, chạy ra bụi tre gần nhà thì phát hiện con chó trắng mũi đỏ đã chết trương thây ở đó.
–nguồn bài viết—
Nghi Lễ Việt Nam – một chuyên đề thuộc dự Cổ Phong ✅, do Công ty TNHH Vilapa phát triển

Chia sẻ

close