Tác giả: | Cập nhật lần cuối: 16-04-2025 | 4 lượt xem

YẾT KIÊU: CÁI LÔNG CÁNH CỦA CON CHIM HỒNG HỘC

Toàn thư viết:及 官 軍 失 利 舟 師 皆 散 王 欲 從 山 脚 野 象 曰 歇 驕 未 見 大 王 必 不 移 船. 王 趍 擺 津 惟 歇 驕 船 尚 在. 王 喜 曰 夫 鴻 鵠 髙 飛 必 資 六 翮 縱. 無 六 翮 乃 凣 鳥 耳. (Cập quan quân thất lợi, chu sư giai tán, Vương dục tòng sơn cước hành. Dã Tượng viết: Yết Kiêu vị kiến Đại vương tất bất di thuyền. Vương xu Bãi Tân, duy Yết Kiêu thuyền thượng tại. Vương hỉ viết: Phu hồng hộc cao phi tất tư lục cách tung. Vô lục cách nãi phàm điểu nhĩ).
Nghĩa là: Đến lúc quan quân thu trận, thuỷ quân tan cả. [Hưng Đạo] Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói: Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền. Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói: Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu cái lông cánh chính. Nếu không có sáu chiếc lông cánh ấy thì cũng chim thường thôi.
Câu chuyện về sáu cái lông cánh chính của con chim Hồng hộc thấy trong sách Thuyết Uyển viết rằng: Triệu Giản Tử du ngoạn trên sông và cảm thấy vui thích, than rằng: Làm sao có được bậc hiền sĩ để cùng chung hưởng!
Người chèo thuyền là Cổ Thừa quỳ xuống thưa: Châu ngọc không có chân, cách đây mấy ngàn dặm mà vẫn đến được, là bởi người ta yêu thích nó. Nay kẻ sĩ có chân mà không đến, có phải là vì ngài không yêu quý họ chăng?
Triệu Giản Tử nói: Khách khứa hai bên cửa ta có đến nghìn người, buổi sáng không đủ ăn thì chiều thu thuế chợ, buổi chiều không đủ ăn thì sáng thu thuế chợ. Như thế có thể bảo ta không trọng kẻ sĩ sao?
Cổ Thừa đáp: Chim hồng hộc bay cao lượn xa, nhờ vào sáu chiếc lông cánh chính. Lông trên lưng và lông tơ dưới bụng, dù bỏ đi một nắm cũng không khiến nó bay thấp hơn, thêm vào một nắm cũng chẳng bay cao lên. Không biết nghìn khách khứa nơi cửa ngài, có phải là lông cánh chính không, hay toàn là lông tơ mà thôi?
Xét sách binh pháp Lục thao của Khương Thái công, thiên Long Thao, Vương Dực, có viết: Vũ Vương hỏi Thái Công rằng: Bậc vương giả thân chinh thống lĩnh quân đội, ắt phải có những cánh tay đắc lực và vây cánh hỗ trợ (cổ quăng vũ dực) để tạo nên uy thần. Vậy phải làm thế nào?
Thái Công đáp: Phàm là khởi binh thống lĩnh quân đội, đều lấy tướng soái làm mệnh lệnh. Mệnh lệnh cần phải linh hoạt thông suốt, không cứng nhắc một phương pháp. Căn cứ vào năng lực mà giao chức vụ, phát huy sở trường của từng người, tùy thời mà biến hóa, lấy đó làm kỷ cương. Vì vậy, tướng soái cần có 72 người hỗ trợ đắc lực (cổ quăng vũ dực) để ứng hợp với đạo trời. Bố trí đủ số lượng theo phép tắc, thấu hiểu mệnh lý. Khi tập hợp được những người có năng lực đặc biệt và kỹ năng khác nhau, thì mọi việc đều hoàn thành.
Vũ Vương hỏi: Xin hỏi về các hạng mục cụ thể?
Thái Công đáp:
• Một người làm Phúc Tâm: Chuyên lo mưu lược bí mật, ứng phó biến cố, đoán định và ngăn chặn rủi ro, tổng hợp kế hoạch, bảo toàn sinh mạng dân chúng.
• Năm người làm Mưu Sĩ: Chuyên lo tính toán an nguy, dự liệu nguy cơ tiềm ẩn, đánh giá tài năng, minh bạch thưởng phạt, bổ nhiệm chức vụ, giải quyết nghi ngờ, quyết định việc nên làm hay không.
• Ba người coi Thiên Văn: Chuyên trách thiên văn lịch pháp, quan sát gió mây, suy tính thời cơ, kiểm chứng điềm triệu, xem xét tai dị, nắm bắt tâm tư quần chúng.
• Ba người coi Địa Lợi: Chuyên lo địa hình hành quân, lợi hại tiến thoái, xa gần hiểm dễ, sông cạn núi ngăn, tận dụng tối đa lợi thế địa hình.
• Chín người coi Binh Pháp: Chuyên bàn luận chiến lược, phân tích thành bại, huấn luyện binh khí, phát hiện vi phạm.
• Bốn người coi Thông Lương: Chuyên lo lương thực, dự trữ, thông đường vận chuyển, đảm bảo quân đội không thiếu thốn.
• Bốn người làm Phấn Uy: Chuyên tuyển chọn nhân tài, nghiên cứu vũ khí, hành động nhanh như gió sấm, khiến địch không kịp phản ứng.
• Ba người coi Phục Cổ Kỳ: Chuyên quản trống cờ, sáng suốt quan sát, dùng mưu nghi binh, đánh lạc hướng địch, ra vào như thần.
• Bốn người làm Cốt Cán: Chuyên đảm đương việc nặng, đào hào đắp lũy, sửa thành lũy, phòng thủ kiên cố.
• Ba người làm Thông Tài: Chuyên khắc phục sai sót, tiếp đãi khách khứa, đàm luận, giải quyết mâu thuẫn.
• Ba người làm Quyền Sĩ: Chuyên dùng mưu kỳ lạ, áp dụng biện pháp khác thường, khiến địch không thể lường trước, thực hiện biến hóa vô cùng.
• Bảy người làm Nhĩ Mục: Chuyên đi lại do thám, nghe ngóng tình hình, nắm bắt sự việc bốn phương, tình hình quân đội.
• Năm người làm Trảo Nha: Chuyên phát huy uy vũ, khích lệ ba quân, xông pha nguy hiểm, không chút do dự.
• Bốn người làm Vũ Dực: Chuyên tuyên dương thanh danh, chấn động xa gần, lung lạc ý chí địch, làm suy yếu tinh thần đối phương.
• Tám người làm Du Sĩ: Chuyên dò xét phản gian, nắm bắt tâm tư, thăm dò ý đồ địch, làm gián điệp.
• Hai người làm Thuật Sĩ: Chuyên dùng mưu mẹo, dựa vào thần quyền để mê hoặc lòng người.
• Hai người làm Phương Sĩ: Chuyên lo thuốc men, chữa thương tích, trị bách bệnh.
• Hai người làm Pháp Toán: Chuyên tính toán quân nhu, lương thực, tiền của ra vào của ba quân.
Hưng Đạo vương tinh thông binh pháp, chẳng lẽ lại chưa đọc Lục thao? Dẫn điển cố Hồng hộc cao phi, há có lẽ chưa nghe qua chuyện Triệu Giản tử? Nên khi ông ví người gia thần ấy với cái lông cánh của con chim hồng hộc, phải chăng cũng ngầm ý rằng: Đó cũng là Cổ quăng vũ dực của bậc vương giả khi xuất sư.

Chia sẻ

close